Cuộc họp được yêu cầu bởi Colombia, Argentina, Brazil, Canada, Chile, Paraguay và Peru, tất cả đều đã công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là Tổng thống Venezuela.
Hội đồng Thường trực của OAS đã bỏ phiếu hôm thứ Ba để công nhận ứng cử viên của ông Guaido - Tarre Briceno, là đặc phái viên Venezuela. "Với 18 phiếu ủng hộ, 9 phiếu chống, 6 phiếu trắng, Hội đồng OAS đồng ý chấp nhận việc bổ nhiệm ông Tarre Briceno làm đại diện thường trực", tổ chức này đăng tải thông báo trên tài khoản Twitter.
Hội đồng OAS, nhóm họp tại Washington, nhấn mạnh rằng ông Briceno sẽ phục vụ trong vai trò chờ cuộc bầu cử mới ở quốc gia Nam Mỹ này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Venezuela cho biết hôm thứ Ba rằng nước này đã quyết định rời khỏi OAS sau quyết định của Hội đồng Thường trực OAS về việc công nhận đại diện của nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido.
"Chính phủ Cộng hòa Bolivar Venezuela tái khẳng định quyết định không thể hủy bỏ của mình đó là rời khỏi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ vào ngày 27/4 năm 2019 theo đơn khiếu nại 2 năm trước và trong khuôn khổ các thủ tục liên quan, cho rằng Cộng hòa Bolivar Venezuela không thể ở trong tổ chức mà quỳ gối trước lợi ích của chính quyền Mỹ", Bộ Ngoại giao Venezuela tuyên bố.
Tổng thống Nicolas Maduro bắt đầu quá trình rời khỏi OAS vào năm 2017 nhưng Tổng thống lâm thời tự xưng của Venezuela Juan Guaido nói rằng ông muốn đất nước tiếp tục là thành viên của tổ chức này.
Vào tháng 2, Đặc phái viên Venezuela tại Liên Hợp Quốc Samuel Moncada trong một cuộc họp hội đồng đặc biệt tại OAS đã phản đối yêu cầu của Mỹ và OAS về việc tái bầu cử và chấp thuận gói cứu trợ khủng hoảng nhân đạo.
Vào tháng 1, OAS đã bỏ phiếu không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Quyết định này được ủng hộ bởi 19 thành viên của tổ chức, trong khi 6 nước khác bỏ phiếu chống và chỉ 1 thành viên không bỏ phiếu.
Vào ngày 23/1, ông Juan Guaido - người đứng đầu Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát, tuyên bố mình là "Tổng thống lâm thời" của Venezuela. Tổng thống hợp hiến Maduro sau đó chỉ trích động thái của ông Guaido là màn lật đổ chính phủ do Washington dàn dựng.
Chính phủ Mỹ ngay lập tức công nhận Guaido cùng với đó là khoảng 50 quốc gia khác theo sau. Trong khi đó, Nga, Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Cuba và một số quốc gia khác đã lên tiếng ủng hộ chính phủ hợp pháp của ông Maduro. Mexico và Uruguay đã từ chối công nhận ông Guaido, tuyên bố trung lập và thúc đẩy giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại.