Sự cố liên tiếp, cần xem xét cả yếu tố toa tàu
Được biết, trong khoảng 3 tháng gần đây, đã có tới 5 vụ tàu trật bánh xảy ra ở khu vực đường sắt thuộc huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế). Điển hình là vụ tàu chở hàng trật bánh khi đi qua đoạn đường sắt thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Theo đó, khoảng 3h sáng ngày 28/9/2024, đầu máy D19E-943 kéo 24 toa hàng container HH16T chạy trên đoạn đường sắt Bắc – Nam, khi đến khu gian Lăng Cô - Thừa Lưu, cách ga Lăng Cô gần 4km thì đầu máy của tàu bị trật bánh khỏi đường ray. Sự cố trật bánh khiến đường sắt Bắc - Nam tạm thời bị tê liệt.
Trước đó Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện điều tra nguyên nhân sự cố các vụ trật bánh tàu khỏi đường ray liên tiếp xảy ra khi tàu Bắc - Nam qua huyện Phú Lộc. Kết luận điều tra cho thấy nguyên nhân là do thiết kế hệ thống chuyển ray đường sắt (ghi) ở đường sắt số 1 tại ga Lăng Cô có góc chuyển hướng khá lớn, khác hẳn với thiết kế ghi đường sắt ở các ga tàu khác.
Theo đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nguyên nhân ban đầu khiến các đoàn tàu xảy ra sự cố trật bánh là do thiết kế hệ thống chuyển ray đường sắt (ghi) ở đường sắt số 1 tại ga Lăng Cô có góc chuyển hướng khá lớn, khác hẳn với thiết kế ghi đường sắt ở các ga tàu khác. Các toa tàu xảy ra sự cố cũng được xác định có kết cấu đặc biệt với lò xo không khí và cự ly trục bánh xe lớn (2,2m).
Trước đây những toa tàu này chạy theo tuyến đường sắt khác, chứ không qua đoạn đường sắt số 1 ở ga Lăng Cô nói trên nên không xảy ra sự cố trật bánh. Tuy nhiên, gần đây ngành đường sắt tăng chuyến tàu nên tần suất các toa tàu chạy vào đoạn đường ray nói trên nhiều lên. Do toa tàu có cự ly trục bánh xe lớn, khi chạy qua đoạn ghi có góc chuyển hướng lớn nên dễ xảy ra trật bánh dù ở tốc độ chậm.
Lý giải về nguyên nhân khiến tàu hoả liên tiếp trật bánh, các chuyên gia cho biết, thường có 3 nguyên nhân chính khiến tàu trật bánh: tàu va phải chướng ngại, lỗi về hạ tầng đường sắt, hoặc do giá bộ phận chạy (giá chuyển hướng) toa xe... Các sự cố tàu trật bánh vừa qua đang được hội đồng giải quyết sự cố, tai nạn của ngành đường sắt đánh giá, tìm nguyên nhân. Có trường hợp chưa lý giải được nguyên nhân bởi tàu trật bánh khi đang ra khỏi ga với tốc độ chỉ 13km/h.
Chuyên gia cũng cho rằng, trong các vụ tàu trật bánh vừa qua có thể do nguyên nhân bao gồm cả do đường ray đã sử dụng nhiều năm nên bị mòn, khuyết tật nhưng không được thay thế kịp thời.
“Ray bị mòn, chịu lực yếu hơn tiêu chuẩn thiết kế sẽ dẫn đến vượt quá sự tác động lực từ đoàn tàu tác động lên. Lực truyền động từ đoàn tàu khiến hai thanh ray song song bị “sàng qua sàng lại”, nếu độ đàn hồi của ray kém sẽ khiến thanh ray bị lệch khỏi vị trí”, một chuyên gia cho biết.
Chuyên gia này nhận định, cần xem xét cả yếu tố toa tàu, nhất là toa tàu hàng. Bởi có nhiều toa tàu chở hàng đã sử dụng được vài chục năm, chất lượng kém, trong đó có bộ phận bánh toa xe.
“Bánh toa xe đã sử dụng lâu năm tất yếu sẽ giảm khả năng chịu tải kém, nhanh bị mài mòn. Trong khi chu kỳ đăng kiểm định kỳ khá dài”, một chuyên gia nêu vấn đề và cho biết, hiện quy định chu kỳ đăng kiểm định kỳ đối với toa tàu chở hàng trên đường sắt quốc gia có niên hạn sử dụng dưới 30 năm là 20 tháng/lần, còn sử dụng trên 30 năm là 15 tháng/lần.
Trao đổi với báo chí, Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam từng cho biết, mỗi trường hợp tai nạn cần được phân tích, đánh giá cụ thể để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Về bảo đảm an toàn đường sắt, ngành Đăng kiểm chỉ được giao kiểm định đối với phương tiện, còn hạ tầng chạy tàu do ngành Đường sắt quản lý.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chia sẻ quan điểm dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đoàn Thị Phương Thảo (Công ty luật TAT Lawfirm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tai nạn đường sắt luôn là sự kiện gây chấn động dư luận, đặc biệt khi dẫn đến thương vong. Trong trường hợp tàu hỏa chệch đường ray gây chết người, câu hỏi về trách nhiệm pháp lý nổi lên như một yêu cầu cấp thiết, không chỉ để thực thi công lý mà còn để ngăn ngừa những thảm kịch tương tự trong tương lai.
Để xác định trách nhiệm thuộc về ai khi chệch đường ray tàu hoả gây chết người đòi hỏi một quá trình điều tra kỹ lưỡng, toàn diện và khách quan và phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh làm rõ của cơ quan công an. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân cụ thể dẫn đến tai nạn, dựa trên lỗi và mức độ vi phạm của các bên mà vấn đề đặt trách nhiệm sẽ là khác nhau, cụ thể:
Công ty đường sắt có trách nhiệm đảm bảo an toàn trong vận hành, bảo trì đường ray, đảm bảo an toàn kỹ thuật và đào tạo nhân viên. Trường hợp tàu hoả chệch đường ray là do đường ray xuống cấp, cơ sở hạ tầng không được bảo trì, thì người đứng đầu công ty đường sắt và cá nhân trực tiếp phụ trách sẽ phải chịu trách nhiệm. Họ có thể bị truy cứu theo Điều 281 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông". Khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù nếu hậu quả làm chết nhiều người. Ngoài ra người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Bên cạnh trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc gia đình của họ gồm: chi phí chữa bệnh, mai táng, bồi thường tổn thất về tinh thần, các thiệt hại về thu nhập, công việc do người bị hại không thể tiếp tục lao động…..
Lái tàu và nhân viên phụ trách có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tốc độ, quy trình vận hành và xử lý tình huống khẩu cấp. Trong trường hợp tai nạn xảy ra do lỗi chủ quan thuộc về người điều khiển tàu như lái xe bất cẩn, thiếu quan sát, vi phạm quy tắc an toàn thì họ sẽ bị truy cứu theo Điều 267 BLHS về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt", với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; nếu làm chết 02 người thì có thể bị phạt từ từ 03 năm đến 10 năm; thậm chí có thể bị phạt tù lên tới 15 năm nếu làm chết 03 người trở lên. Ngoài ra người phạm tội còn bị tước giấy phép lái tàu và cấm hành nghề trong 1 thời gian nhất định. Liên quan đến việc gây ra chết người, họ còn phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng với lỗi của mình theo Điều 584 và Điều 591 Bộ luật dân sự, theo đó phải bồi thường thiệt hại do tính mạng của nạn nhân bị xâm phạm bao gồm: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết.
Trường hợp nguyên nhân vụ việc xuất phát từ sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát dẫn đến tai nạn thì người có thẩm quyền, người có nhiệm vụ sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360 Bộ luật hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuỳ thuộc vào mức độ, hậu quả mà hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.
Luật sư Đoàn Thị Phương Thảo (Công ty luật TAT Lawfirm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). |
Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện lỗi từ phía nhà sản xuất thiết bị (ví dụ như lỗi sản xuất gây mất an toàn), họ không chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự mà còn có thể bị truy cứu hình sự theo Điều 192 Bộ luật hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả ", với mức phạt có thể lên đến 15 năm tù và phạt tiền lên đến 6 tỷ đồng.
Trường hợp việc tàu chệch đường ray dẫn đến chết người là do lỗi, hành vi vi phạm của bên thứ ba như xe đâm vào đường ray, cố tình vượt đèn đỏ, vi phạm khoảng cách an toàn với đường sắt thì người lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Hình phạt có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm dẫn đến chết một người. nếu tai nạn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt có thể lên đến 10 đến 15 năm tù. Đồng thời phải chịu trách nhiệm dân sự về việc bồi thường cho nạn nhân và gia đình nạn nhân. Đối với trường hợp tàu chệch đường ray nhưng vì người vi phạm cố tình vi phạm khoảng cách an toàn giữa tàu và khu dân cư dẫn đến người đó chết thì đây được xác định là hành vi cố ý với mục đích gây tai nạn, do đó trách nhiệm dân sự bồi thường cho người đó không được đặt ra.
Trường hợp tàu chệch đường ray do có hành vi cố ý gây tai nạn hoặc phá hoại đường ray, dẫn đến hậu quả chết người thì người đó sẽ bị truy tố theo tội danh “Tội cản trở giao thông đường sắt”. Theo đó có thể bị phạt tù lên tới 15 năm và bị phạt tiền phụ thuộc hành vi và mức độ vi phạm. Đồng thời người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và gia đình nạn nhân.
Như vậy, việc xác định trách nhiệm trong vụ tai nạn tàu hỏa chệch đường ray gây chết người đòi hỏi một cuộc điều tra toàn diện, xem xét kỹ lưỡng vai trò và mức độ vi phạm của từng bên liên quan. Trách nhiệm pháp lý bao gồm cả trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại) và trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm là khác nhau mà người vi phạm sẽ bị truy tố với những tội khác nhau. Trách nhiệm dân sự đặt ra trong trường hợp này là bồi thường thiệt hại. Theo đó người vi phạm phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và gia đình họ. Mức bồi thường bao gồm chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân.