VIB bị tố làm giả hồ sơ vay? - Bài 2: Thu nợ thất thường, nhiều lần âm thầm tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngân hàng Nhà nước có nhiều Thông tư quy định về minh bạch lãi suất và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng, ông Trần Vũ Xuân Lâm (SN 1984, ở Q.Bình Thạnh) phát hiện hai khoản vay bị VIB âm thầm tăng lãi suất mà không thông báo, không có xác nhận của khách hàng.

Thu nợ thất thường

Ông Trần Vũ Xuân Lâm có hai khoản vay tại Ngân hàng Quốc tế VIB chi nhánh Q.10 lần lượt là 3 tỷ đồng và 1,475 tỷ đồng. Ông cũng từng sở hữu thẻ thanh toán Debit mở tại nhà băng này để trả nợ các khoản vay, cùng với đó là một thẻ tín dụng hạn mức 90 triệu đồng.

VIB bị tố làm giả hồ sơ vay? - Bài 2: Thu nợ thất thường, nhiều lần âm thầm tăng lãi suất ảnh 1

Thẻ Debit và Thẻ tín dụng hạn mức 90 triệu đồng của ông Lâm mở tại VIB.

Sau một thời gian trả nợ, ông Lâm nhận thấy nhiều bất thường, mập mờ trong cách thu nợ tự động của VIB nên từ khoảng tháng 11/2022 đã khiếu nại bằng các hình thức nhắn tin, gọi điện, email, văn bản… và nhiều lần làm việc trực tiếp với VIB Q.10 đề nghị cung cấp giải trình chi tiết hồ sơ tín dụng để đối chiếu, qua đó tất toán các hợp đồng, nhận lại giấy tờ thế chấp nhưng không được đáp ứng, dẫn đến nợ xấu và phát sinh nhiều vấn đề. Nội dung này, chúng tôi đã đề cập trong bài 1: Không cho khách hàng tất toán nợ.

Đối với khoản vay 3 tỷ đồng trong thời hạn 156 tháng (13 năm). Từ kỳ thứ 1 đến kỳ 60 (5 năm đầu), khách hàng trả hơn 9,2 triệu đồng/tháng tiền gốc. Từ kỳ thứ 61 đến kỳ 155 (năm 13) trả hơn 25,7 triệu đồng/tháng tiền gốc. Số còn lại trả vào cuối kỳ. Lịch trả nợ vào ngày 5 hằng tháng. Theo cách tính theo dư nợ giảm dần thì lãi phải trả các tháng sau sẽ thấp hơn các tháng trước; năm đầu tiên, ông Lâm được ưu đãi lãi suất cố định 10,4%/năm nên không có biến động hay điều chỉnh tăng giảm theo thị trường. (Sau đó, lãi suất được điều chỉnh lại ba tháng một lần, dựa trên lãi suất cơ sở cộng với biên độ 4,1%/năm).

Ở kỳ thanh toán đầu tiên vào ngày 5/10/2020, VIB thông báo qua điện thoại số tiền và ông Lâm chuyển hơn 39,1 triệu đồng vào thẻ Debit chính chủ để ngân hàng tự động trừ nợ tiền gốc hơn 9,1 triệu đồng và lãi hơn 29,9 triệu đồng. Ở kỳ tiếp theo, tháng 11/2020 cũng tương tự, sau khi ông Lâm chuyển tiền vào thẻ Debit, hệ thống của VIB trừ nợ tự động hơn 35,6 triệu đồng.

Sự thất thường rõ hơn vào kỳ trả nợ thứ 3, tháng 12/2020, tin nhắn VIB báo về điện thoại ông Lâm số tiền phải trả trên 50,3 triệu đồng. Sau khi chủ tài khoản chuyển tiền vào thẻ Debit thì ngân hàng trừ toàn bộ số tiền trên. Sang kỳ trả nợ thứ 4, tháng 1/2021, VIB thông báo số tiền đến hạn hơn 53,7 triệu đồng, ông Lâm chuyển tiền và hệ thống tự động trừ hết…. Những tháng tiếp theo, VIB cũng thông báo và trừ nợ số tiền trên 50 triệu đồng/tháng.

VIB bị tố làm giả hồ sơ vay? - Bài 2: Thu nợ thất thường, nhiều lần âm thầm tăng lãi suất ảnh 2

VIB thông báo nợ đến hạn của ông Lâm kỳ tháng 12/2020 là trên 50 triệu đồng. Các tháng tiếp theo cũng tương tự.

Khoản vay thứ hai 1,475 tỷ đồng được giải ngân ngày 16/9/2021 trong thời hạn 144 tháng (12 năm). Tại thời điểm trước và sau khi khoản vay thứ hai được giải ngân, tài khoản thẻ thanh toán Debit của ông Lâm có những biến động số dư kỳ lạ, trong đó có số tiền 820 triệu đồng được VIB trừ đi với nội dung thu tất toán cho một hợp đồng hoặc khế ước nào đó (sẽ nêu cụ thể ở bài 3).

Theo khế ước khoản vay thứ hai, từ tháng 1 đến tháng 60 (5 năm đầu), mỗi tháng khách hàng phải hoàn trả tiền gốc 2,7 triệu đồng/tháng. Từ tháng 61 đến tháng 143 (năm 12), số tiền gốc phải trả mỗi tháng hơn 15,6 triệu đồng/tháng. Tháng 144 trả tất cả dư nợ còn lại. Lịch trả nợ là ngày 10 hằng tháng. Vẫn cách tính theo dư nợ giảm dần, năm đầu tiên ông Lâm được ưu đãi lãi suất cố định 9,5%/năm. (Sau đó, lãi suất được điều chỉnh lại ba tháng một lần, dựa trên lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3,9%/năm).

Ở kỳ trả nợ đầu tiên vào tháng 10/2021, VIB trừ tự động hơn 12,3 triệu đồng. Tháng tiếp theo 11/2021, ngân hàng trừ 14,2 triệu đồng. Sang tháng 12/2021, VIB hai lần trừ nợ với tổng số tiền khoảng 14,2 triệu đồng. Đến tháng 4/2022, số tiền phải thanh toán là 15,2 triệu đồng…. Trong quá trình trả nợ khoản vay thứ hai, hệ thống VIB vẫn tự động thu nợ trong thẻ Debit để thanh toán cho khoản vay thứ nhất.

Thực tế đến quãng thời gian này, số dư trong thẻ Debit của ông Lâm ở nhiều thời điểm không đảm bảo nên hệ thống tự động trừ nợ nhiều lần, dẫn đến trễ vài ngày theo lịch thanh toán hằng tháng và chịu phạt. Tiền phạt cũng được VIB trừ tự động ngay khi có tiền vào tài khoản. Những thông tin vừa nêu chỉ là một vài trong số rất nhiều điểm khó hiểu về cách thu nợ tự động của Ngân hàng VIB cho hai khoản vay của khách hàng.

VIB bị tố làm giả hồ sơ vay? - Bài 2: Thu nợ thất thường, nhiều lần âm thầm tăng lãi suất ảnh 3

Những khoản thu hằng tháng của VIB cao thất thường so với lịch trả nợ mà ngân hàng này cung cấp.

Âm thầm tăng lãi suất

Ông Lâm nói thêm, trong phản hồi bằng email ngày 25/12/2022 của Giám đốc Kinh doanh VIB Q.10 Lê Quí Đon có đề cập đến lãi suất cơ sở đã tăng từ 7,1%/năm lên 8,4%/năm rồi 8,6%/năm làm tổng lãi suất ông phải gánh sau khi hết ưu đãi lần lượt 12,7%/năm với hợp đồng 3 tỷ đồng và 12,5%/năm với hợp đồng 1,475 tỷ đồng. Chênh lệch lãi suất so với thời điểm giải ngân hai khoản vay tăng thêm lần lượt là 2,3%/năm và 3%/năm. Đây là thời điểm Ngân hàng Nhà nước có nhiều Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Như đã nói ở bài đầu tiên, đầu năm 2023, Hội sở Ngân hàng VIB có văn bản phúc đáp thông báo khoản vay của khách hàng không thuộc trường hợp được cơ cấu lại thời gian trả nợ theo các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước trong dịch Covid-19 và quy định của VIB. Không cơ cấu đã đành, đằng này VIB Q.10 còn âm thầm tăng thêm lãi suất, tạo gánh nặng cho khách hàng trong đại dịch mà họ không hề hay biết. “Bằng chứng là email ông Đon gửi cho tôi và các bộ phận, cá nhân trong VIB Q.10”, ông Lâm nói.

Ngoài ra, trong phúc đáp gửi khách hàng, VIB còn khẳng định: “Việc điều chỉnh lãi suất khoản vay 1 và khoản vay 2 của Quý khách là đúng quy định pháp luật, thoả thuận tại HĐTD và KUNN đã ký kết về việc thay đổi lãi suất định kỳ của các khoản vay khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất, đồng thời VIB có thông báo việc thay đổi lãi suất cho Quý khách qua app MyVIB 1.0 với user là: TranLam310884. Ngoài ra, lãi suất cơ sở theo sản phẩm VIB luôn được cập nhật đăng tải minh bạch tại website: www.vib.com.vn”.

VIB bị tố làm giả hồ sơ vay? - Bài 2: Thu nợ thất thường, nhiều lần âm thầm tăng lãi suất ảnh 4

Một phần email của Giám đốc Kinh doanh VIB Q.10 Lê Quí Đon gửi cho ông Lâm vào ngày 25/11/2022 thể hiện lãi suất đã được điều chỉnh tăng.

VIB khẳng định làm đúng. Nhưng, Thông tư 14/2017/TT-NHNN quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có hiệu lực pháp luật từ đầu năm 2018 quy định tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp; tại thời điểm điều chỉnh lãi suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh; phải có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin khi pháp luật có quy định.

Tôi hoàn toàn không nhận được thông báo nào về các lần tăng lãi suất kể trên và cũng chưa xác nhận nên sau khi nhận được phản hồi từ ông Đon tôi đã khiếu nại lên Ban Kiểm soát và Lãnh đạo Hội sở VIB. Trên tinh thần thiện chí hợp tác và mong muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường thương lượng, tôi đã đề xuất tạm hoãn trả phần gốc, lãi, phạt đang lạm thu sai cho đến khi VIB Q.10 xử lý thoả đáng khiếu nại hoặc các cơ quan chức năng có kết luận, mọi phát sinh lãi, phạt cũ tôi sẽ thực hiện theo thoả thuận mới hoặc bản án tại toà.

Trong trường hợp VIB không đồng ý, vẫn buộc tôi phải trả thì tôi sẽ vay mượn hoặc cầm cố tài sản để xử lý theo yêu cầu của Phòng thu hồi nợ VIB nhưng cần có xác nhận của Trường phòng Thu hồi nợ về khoản tiền trên là phần tạm thu – và cá nhân người này sẽ hoàn trả ngay lập tức cho tôi toàn bộ số tiền tạm thu cộng lãi phát sinh sau khi toà án, cơ quan điều tra làm rõ, có kết luận. Tránh tình trạng chiếm dụng vốn làm thiệt hại tài sản cá nhân của tôi thêm nữa”, khách hàng phản ánh và cho biết:

Thống kê từ ngày 31/8/2020 đến tháng 11/2022, tổng số tiền lãi và gốc mà VIB thu nợ tự động khoảng 1,9 tỷ đồng. Theo các số liệu trong hợp đồng và khế ước hai khoản vay, số tiền tôi phải trả chỉ chừng 1,1 tỷ đồng cả gốc và lãi, chênh lệch hơn 800 triệu đồng. Vì thế, tôi mới đề nghị cung cấp sổ sách chi tiết tín dụng để làm rõ trắng đen và đây cũng là quyền lợi chính đáng của tôi nhưng phía VIB không đáp ứng”. Bài 3: Đường đi của số tiền hơn 800 triệu đồng.

Ngày 25/4/2024, Ngân hàng VIB có văn bản phản hồi những nội dung liên quan. Chúng tôi sẽ cập nhật ở cuối loạt bài này để đảm bảo tính toàn vẹn thông tin.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận