Trong một chương trình phát sóng gần đây của Nga, chuyên gia vũ khí Alexei Yegorov đã phỏng vấn phi công Alexander Pulenko về các tính năng đặc biệt của máy bay Su-35.
Một trong những khả năng tân tiến nhất của Su-35 đó là né tránh được tên lửa rình rập từ phía sau một cách chủ động.
Phi công Pulenko cho biết Su-35 sẽ không dễ bị trúng tên lửa bắn từ phía sau như trường hợp máy bay Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi cuối tháng 11/2015 ở Syria.
"Bật chế độ buồng đốt hậu (afterburner, buồng đốt tăng lực), sau đó chuyển sang chế độ nhào lộn và máy bay ngóc đầu lên lộn vòng 360 độ, trở lại vị trí ban đầu. Trong thời gian đó tên lửa sẽ không trúng được mục tiêu và vọt qua mất", phi công Pulenko giải thích.
Một khi trượt mục tiêu, tên lửa không đối không cũng sẽ không đủ năng lượng để có thể vòng trở lại tấn công máy bay thêm lần nữa.
Su-35 vốn được đánh giá cao khi nhiều chuyên gia cho rằng có thể thắng được hầu hết tất cả máy bay của Mỹ. Tiêm kích này là sự kết hợp giữa hàng loạt các tính năng vượt trội bao gồm khả năng đánh chặn tầm cao với vận tốc chớp nhoáng và động cơ độc đáo có sức kéo lớn và độ linh hoạt rất cao.
Sức mạnh của loại động cơ đặc biệt trang bị cho Su-35 khiến chiếc tiêm kích này có thể cất cánh với vũ khí (8 tấn) và nhiên liệu mang theo tối đa, tốc độ bay tối đa 2.390 km/giờ với bán kính tác chiến lên đến 3.600 km.
Về hệ thống radar, Su-35 sử dụng radar mảng pha thụ động (PESA) IRBIS-E, cự ly phát hiện máy bay thông thường lên tới 350 km. Đặc biệt nó có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình có bề mặt tán xạ radar dưới 3m ở khoảng cách xa 100 - 150 km. Tốc độ tối đa của chiếc Su-35 có thể lên tới 2.500 km/h và tầm hoạt động vào khoảng 3.500 km.
Ngoài ra Su-35 có thể né tránh các dòng tên lửa không đối không dẫn đường bán chủ động bằng ra-đa nhờ khả năng tác chiến điện tử tự thân.
Bằng khả năng cơ động trên không, Su-35 có thể tạo các đường bay phức tạp làm tên lửa đối phương mất mục tiêu.
Vũ Minh