Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán trong thực hiện SDGs

 Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), trong hai ngày 22 và 23/7, hội nghị lãnh đạo các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đã diễn tại trụ sở LHQ với nội dung chính kêu gọi các SAI trên toàn cầu có tầm nhìn sâu rộng, dữ liệu chính xác và sự giám sát chặt chẽ nhằm hỗ trợ, đóng góp quy trình theo dõi và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của các quốc gia do LHQ đề ra.

Đoàn Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa dẫn đầu tham dự hội nghị.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán trong thực hiện SDGs ảnh 1

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa (hàng trên, phải) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoài Thanh/Pv TTXVN tại Mỹ

Trong hai ngày hội nghị, lãnh đạo các cơ quan kiểm toán quốc tế đã cùng thảo luận và học hỏi kinh nghiệm để tìm biện pháp phát huy tối đa hiệu quả công tác kiểm toán SDGs, đồng thời thảo luận những thách thức, cơ hội, cũng như bài học kinh nghiệm và sự tham gia của mỗi chính phủ trong việc theo dõi và đánh giá việc thực hiện SDGs.

Tại hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa đã chia sẻ ý kiến về tình hình thực hiện SDGs tại Việt Nam, cũng như công tác kiểm toán các hoạt động này trong thời gian vừa qua.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng, lồng ghép nội dung phát triển bền vững vào các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như tập trung mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện SDGs ngay từ khi Việt Nam cam kết theo Chương trình nghị sự 2030 của LHQ.

Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam chú trọng hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển bền vững, hoàn thành Kế hoạch hành động, chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện SDGs đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiến hành thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này cũng như từng bước đưa các nội dung liên quan vào chương trình giáo dục, đào tạo các cấp.

Trong giai đoạn tiếp theo từ 2021-2030, Việt Nam sẽ thực hiện triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động, tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện SDGs.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, và chú trọng phát triển công nghệ môi trường, đặc biệt là công nghệ năng lượng mới.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán trong thực hiện SDGs ảnh 2

Quang cảnh phiên khai mạc hội nghị ngày 22/7. Ảnh: Hoài Thanh/Pv TTXVN tại Mỹ

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, kiểm toán nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện SDGs ở Việt Nam. Ông cho biết: “Trong chiến lược phát triển bền vững đã được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, kiểm toán nhà nước có chức năng kiểm toán các hoạt động này cho nên chúng tôi tập trung đi sâu đánh giá các hoạt động chức năng, nhằm hướng tới SDGs do LHQ đề xuất cả trong lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng như môi trường. Để thực hiện thành công 17 SDGs, các chính phủ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh như công tác lập kế hoạch hành động, xây dựng chính sách, phân bổ nguồn tài chính và các nguồn lực khác để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực hiện SDGs. Kiểm toán nhà nước cũng có thể đưa ra những đánh giá khách quan, cung cấp thông tin một cách toàn diện cũng như đề xuất các kiến nghị phù hợp giúp cho các cơ quan quản lý kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, thiếu sót nhằm nâng cao tính tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với các chương trình, hoạt động kế tiếp”.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa nhấn mạnh một điều quan trọng nữa là kiểm toán nhà nước có thể giúp tăng cường tính công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói chung và cho việc thực hiện SDGs nói riêng.

Tại hội nghị, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác song phương cũng như đa phương với các cơ quan kiểm tối cao trên thế giới trong việc kiểm toán các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững.

Hội nghị do Ủy ban Các vấn đề về kinh tế - xã hội của LHQ (UNDESA) và tổ chức sáng kiến phát triển INTOSAI (IDI) đồng tổ chức có sự tham gia của 150 lãnh đạo và đại diện lãnh đạo của các tổ chức kiểm toán tối cao các nước, đại diện của Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán INTOSAI, đại diện thường trực một số nước tại LHQ và đại diện các cơ quan của LHQ liên quan.

Theo TTXVN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).