Việt Nam là 1 trong 4 nước hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung

(Ngày Nay) - Người Mỹ đang không còn mua hàng hóa Trung Quốc. Nhưng thay vì dựa vào các nhà sản xuất Mỹ, họ đang né tránh thuế quan của chính quyền Trump bằng cách chuyển sang các nhà cung cấp ở những nước châu Á khác.
Việt Nam là 1 trong 4 nước hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung

Xu hướng này vốn đã xuất hiện kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh rơi vào bế tắc, theo dữ liệu công bố hôm thứ Tư của Cục điều tra dân số Mỹ.

Trong 5 tháng đầu năm, Mỹ đã nhập khẩu ít hơn 12% hàng hóa từ Trung Quốc so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 36%, từ Đài Loan tăng 23%, Bangladesh tăng 14% và 12% từ Hàn Quốc.

Các chính sách thuế quan mới của chính phủ Mỹ đã làm cho hàng hóa tiêu dùng như mũ bóng chày, vali, xe đạp và túi xách được sản xuất tại Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Nhiều loại máy móc và hàng công nghiệp, bao gồm các bộ phận cho máy rửa bát, máy giặt, máy sấy và bộ lọc nước, cũng đồng loạt bị đánh thuế.

Vào tuần trước, Tổng thống Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán đang "trở lại đúng hướng" và sẽ ngừng tăng thuế đối với các hàng hóa Trung Quốc sau cuộc gặp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20.

Trước đó vào hồi tháng 5, các doanh nghiệp Mỹ đã bất ngờ khi chính quyền Trump nâng mức thuế 25% từ 10% đối với khối hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc.

Ông Trump cũng đe dọa sẽ áp mức thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, bao gồm điện thoại thông minh, đồ chơi, giày dép và cá.

"Trung Quốc đang bị suy giảm hoàn toàn bởi các công ty đang rời khỏi nước này để đi đến các nước khác, bao gồm cả của chúng tôi", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng trước.

Nhưng không rõ liệu các công ty đang chuyển dây chuyền sản xuất vĩnh viễn khỏi Trung Quốc hay chỉ đơn giản là định tuyến lại hàng hóa trước khi chuyển đến Mỹ. Cơ quan hải quan Việt Nam cho biết sẽ bắt đầu xử lý các hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc được dán nhãn trái phép "Made in Vietnam" do các doanh nghiệp muốn né tránh mức thuế quan của Mỹ, theo Reuters.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc có thể sản xuất hàng hóa tương tự với cùng chất lượng và giá rẻ hơn. Đó là một quá trình có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Thay vào đó, các nhà nhập khẩu có thể quyết định chấp nhận gánh thêm mức thuế mới, tin rằng chính quyền Trump sớm hay muộn cũng sẽ dỡ bỏ các rào cản thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, họ có thể để người tiêu dùng gánh khoản chi phí phát sinh này.

Công ty Cap America có trụ sở tại bang Missouri nhập khẩu phần lớn mũ bóng chày từ Trung Quốc và thêu logo ở Mỹ. Công ty này đang tìm kiếm một nhà cung cấp mới ở Bangladesh do chính sách thuế quan, nhưng các đơn hàng đó sẽ chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng nhập khẩu trong năm nay do công ty muốn thẩm định chất lượng.

"Bạn không thể chỉ cần búng tay và chuyển đổi dây chuyền sản xuất", CEO Cap America - Phil Page, nói.

Khoảng 40% các công ty được Hiệp hội Thương mại Mỹ và đối tác tại Thượng Hải khảo sát vào tháng 5 cho biết họ đang xem xét hoặc đã chuyển một số dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc do chiến tranh thuế quan. Trong số đó, khoảng 1/4 đã chuyển sang Đông Nam Á. Ít hơn 6% doanh nghiệp cho biết họ đã tái định cư hoặc đang xem xét chuyển đến Mỹ.

Lượng nhập khẩu của Mỹ từ các nước như Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua khi các nước này tăng cường sản xuất hàng may mặc và điện tử. 

Đài Loan và Hàn Quốc tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng công nghệ cao như chất bán dẫn, nhưng Việt Nam và Bangladesh vẫn giữ các thế mạnh về nguồn nhân lực giá rẻ, phù hợp để đặt các dây chuyền sản xuất giầy dép và quần áo.

Theo CNN