Cơ hội ngàn năm để chuyển đổi số
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động nửa đầu năm và định hướng nửa cuối năm diễn ra vào tháng 7, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đại dịch COVID-19 đã mang đến cơ hội ngàn năm có một cho Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên quy mô quốc gia.
“Đại dịch là cơ hội và cú huých trăm năm để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện toàn bộ quốc gia: cả kinh tế, cả xã hội; cả nhà nước, cả doanh nghiệp; cả cộng đồng, cả người dân. Việt Nam có lợi thế so sánh về chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trước đó vào tháng 3, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã kêu gọi các công ty kỹ thuật số đổi mới và phát triển các nền tảng cho các dịch vụ trực tuyến bởi đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên những yêu cầu cấp bách buộc Việt Nam phải đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số.
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đại dịch COVID-19 đã mang đến cơ hội ngàn năm có một cho Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên quy mô quốc gia |
“Công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng. Đã đến lúc Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ số”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đại dịch, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông cho biết Chính phủ sẽ quyết định một số chính sách chuyển đổi kỹ thuật số hiện đang được xem xét một cách nhanh chóng hơn, chẳng hạn như thanh toán không dùng tiền mặt, học trực tuyến, cấm nhập khẩu công nghệ lạc hậu, thúc đẩy sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ.
Nửa năm còn lại của 2020, chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam sẽ được xây dựng cho các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường nỗ lực đưa tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (dịch vụ có thể thanh toán trực tuyến) chậm nhất vào năm 2021.
Các công ty viễn thông phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ mạng 5G và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới. Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh hạ tầng viễn thông thế hệ mới hay hạ tầng kỹ thuật số là yếu tố quan trọng nhất trong nền kinh tế số.
Khu vực công và tư cùng vào cuộc
Theo Tiến sĩ Abbott J. Haron từ Đại học RMIT Việt Nam, khu vực nhà nước và tư nhân ở Việt Nam coi chuyển đổi số là một cuộc cách mạng quan trọng.
“Cả hai khu vực này đã bắt đầu chuẩn bị và kỳ vọng rằng chuyển đổi kỹ thuật số sẽ trở thành công cụ để Việt Nam thoát khỏi những thách thức mà các nước đang phát triển đã phải đối mặt. Nó có thể giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp các nước phát triển bằng cách tận dụng tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp trẻ", Tiến sĩ Haron nói.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, ghi nhận Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến và ứng dụng chuyển đổi số nhiều hơn kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 1.
Cổng dịch vụ công Quốc gia, nơi cung cấp các dịch vụ công cơ bản cho người dân, đã ghi nhận lượng truy cập tăng đáng kể kể từ khi giãn cách xã hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trải nghiệm Cổng Dịch vụ công Quốc gia |
Số lượt truy cập vào cổng thông tin này đã tăng từ 11 triệu lượt vào cuối tháng 1 lên hơn 28 triệu lượt vào cuối tháng 3, theo dữ liệu của Chính phủ. Trong tháng 3, số lượng giao dịch trực tuyến được thực hiện qua Cổng đã tăng gấp đôi lên hơn 23.000.
Kể từ Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, trang thương mại điện tử Tiki đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng đơn đặt hàng, và các nhà bán lẻ lớn cũng ghi nhận doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh.
Báo cáo của hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng cho biết doanh số bán hàng trực tuyến tăng gấp 5 lần trong tuần tiếp theo sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1.
Theo một nghiên cứu do Trường Kinh doanh Harvard thực hiện năm 2020, 80% CEO cho biết doanh nghiệp của họ sẽ cần phải thay đổi mạnh mẽ khi chuyển đổi số, bao gồm chuyển đổi đáng kể mô hình kinh doanh trong vòng 3 năm tới để có thể gặt hái thành công.
Tại buổi toạ đàm với chủ đề "Vững vàng vượt qua khủng hoảng" , Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhận định lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với một tương lai đầy khó khăn và chưa thể lường trước do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Có 85% lãnh đạo doanh nghiệp tại tọa đàm dự báo ảnh hưởng của “cơn bão” COVID-19 sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2021 và thậm chí có thể dài hơn.
Tuy nhiên, trong số này, có trên 50% lãnh đạo cho rằng “trong nguy vẫn có cơ”. Các doanh nghiệp cần đối mặt khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội. Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là một con đường không thể khác.
"Để sống sót, chúng tôi phải tăng tỷ lệ nuôi thành công lên 90-95% để đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi. Làm điều đó, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa tỷ lệ nuôi thành công lên cao nhất", Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết.
Ưu tiên chuyển đổi số cho giáo dục và công nghệ cao
Tiến sĩ Haron từ Đại học RMIT Việt Nam cho rằng các công nghệ tham gia vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số sẽ là công cụ giúp Việt Nam có khả năng thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Ông Haron đề cập đến máy tính lượng tử, AI, ô tô tự hành, công nghệ in 3D và nano sẽ chuyển đổi và đưa các nền kinh tế Việt Nam phát triển trong tương lai, “tuy nhiên, các trường học tại châu Á cho đến nay vẫn chưa có một chiến lược đầy đủ để chuẩn bị cho nó ”.
“Trong năm 2016, chưa đến 1/4 các tổ chức giáo dục ở châu Á lên kế hoạch tổng thể về chiến lược chuyển đổi số. Hơn một nửa (53%) đang phát triển một chính sách cụ thể và 24% chỉ có một phần hoặc không có chiến lược nào cả. Thật không may, Việt Nam là một trong 24% này”, ông Haron chỉ ra.
Theo ông Haron, nhờ sự lãnh đạo và tư duy cầu tiến của các nhà hoạch định chính sách, sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam đã phát triển ổn định, khi đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam và các công ty đa quốc gia chuyển hoạt động sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực trẻ.
Chuyển đối số sẽ diễn ra mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ. |
Điều này đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tận dụng các xu hướng công nghệ và sáng tạo mới nhất để trở thành một phần của hệ sinh thái mới này.
Giáo dục đại học ở Việt Nam là một trong những ngành đầu tiên tận dụng các công nghệ mới nhất để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong thời gian kỷ lục với quy chuẩn mới.
Theo một bài báo trên World University Rankings, giáo dục trực tuyến đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á và Việt Nam đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi này.
“Phải dành những ưu tiên đúng đắn cho các ngành phù hợp, đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ cao và giáo dục trong giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số. Những ngành này phải được lựa chọn cẩn thận để trở thành một phần của các dự án thí điểm. Các trường hợp thành công và thất bại phải được lấy làm cơ sở để thiết lập các chiến lược chuyển đổi số quốc gia”, ông Haron nói.
Tạo cơ chế cho chuyển đổi số
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng kinh tế số là xu thế tất yếu của toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, đồng thời cho biết thêm rằng chuyển đổi số thành công mang lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp như tăng năng suất lao động 30%.
“Chuyển đổi kỹ thuật số không hề đơn giản, ông cho biết thêm rằng chỉ một nửa số doanh nghiệp tham gia vào quá trình này thành công”, ông Võ Trí Thành nói.
Một vấn đề cần đặt ra đối với Việt Nam đó là cần phải có những đổi mới trong cơ chế, chính sách và luật pháp để kịp thời quản lý hiệu quả các mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới nổi và đảm bảo lộ trình chuyển đổi số đi theo đúng quỹ đạo.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng cần phải có các chế tài quản lý mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới nổi để đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Lấy ví dụ về trường hợp tranh chấp giữa ứng dụng gọi xe Grab và taxi truyền thống Vinasun, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất cần gỡ bỏ điều kiện kinh doanh, tạo sự thông thoáng “giúp doanh nghiệp taxi truyền thống cảm thấy nhẹ nhàng hơn với các quy định không khác biệt nhiều so với Grab.”
“Thêm vào đó, trong bối cảnh Grab ngày càng mở rộng , phát triển, quyền lợi của tài xế cũng cần được bảo vệ. Đồng thời, phải có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa khách hàng và lái xe, cơ chế giám sát thuế của doanh nghiệp”.
Cho đến tháng 1 năm nay, Nghị định 10/2020 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã chính thức được ban hành, qua đó đã mở đường cho việc chuyển đối số ngành vận tải và tạo ra cơ chế quản lý các hãng gọi xe như Grab, Be hay Fast Go,...
“Những lợi ích của tiến trình chuyển số tại Việt Nam sẽ không thành hiện thực trong một sớm một chiều, và tất nhiên có những khó khăn đi kèm, đặc biệt là vấn đề bảo mật dữ liệu, phải được giải quyết. Điều cần thiết là mục tiêu cũng như khuôn khổ pháp lý và quy định kèm theo để đặt ra các quy tắc về cách vận hành và quản lý dữ liệu trong không gian kỹ thuật số”, Giám đốc Quốc gia World Bank Ousmane Dione kết luận.