GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết đến nay, tổng số liều vaccine từ đàm phán, viện trợ là khoảng 125 triệu liều.
Cụ thể, nguồn Covax Facility có 38,9 triệu liều; nguồn ký 3 bên giữa Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam và AstraZeneca có 30 triệu liều; nguồn thứ ba ký với Pfizer, trong năm 2021 sẽ về 31 triệu liều (dự kiến quý III về 3 triệu liều, quý IV về 28 triệu liều).
Trong tháng 7, dự kiến có khoảng 8 triệu liều vaccine về Việt Nam, trong tháng 8-9 sẽ có thêm 20-21 triệu liều. Số vaccine này chủ yếu là AstraZeneca và Pfizer.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn viện trợ từ một số nước, tổ chức như Nhật Bản, Trung Quốc, UNICEF… với khoảng 5-10 triệu liều.
“Mới đây nhất, Ấn Độ đã đồng ý bán cho Việt Nam tổng cộng 15 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021, trong đó 6 triệu liều sẽ về trong quý III, số còn lại về trong quý IV”, ông Thuấn cho biết.
Đối với nguồn vaccine Sputnik V của Nga, Việt Nam vẫn đang đàm phán để mua 40 triệu liều, nhiều khả năng 20 triệu liều sẽ về trong năm 2021.
Ngoài ra, sẽ có nguồn 5 triệu liều vaccine Moderna đàm phán qua công ty Zuellig Pharma.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm, do lượng lớn vaccine sẽ về vào cuối năm, Việt Nam đang xây dựng chiến lược tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến có thể tiêm tối đa hơn 1 triệu liều mỗi ngày.
Nguồn cung vắc-xin trên thế giới từ nay đến tháng 9 vẫn rất khan hiếm, do đó số lượng vaccine chắc chắn về Việt Nam chỉ mang tính tương đối, ông Thuấn nhấn mạnh. Việc phân bổ vaccinen hiện nay dựa trên cân bằng nhiều yếu tố như tỷ lệ mắc bệnh, dân số, mật độ dân số hoặc các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp.