Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh gần 50 năm qua, hợp tác Việt-Bỉ được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, đồng thời đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ của Bỉ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2018 đánh dấu mốc quan trọng khi hai nước trở thành đối tác chiến lược nông nghiệp của nhau. Vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tập trung đẩy mạnh hợp tác chiến lược này trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cả hai bên.
Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị phía Bỉ tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông-lâm-thủy sản của hai nước thâm nhập vào thị trường của nhau. Bỉ hiện là đối tác thương mại nông-lâm-thủy sản quan trọng và lớn thứ năm của Việt Nam trong khối EU. Mặt hàng này của hai nước có tính bổ trợ và không cạnh tranh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn Bỉ tiếp tục hỗ trợ phát triển hệ thống hậu cần đường thủy và kho lạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long với công nghệ của Bỉ để kết nối thành mạng lưới vận chuyển sản phẩm nông thủy sản tươi sống của khu vực này đến cảng Cái Mép, tới cảng Antwep của Bỉ và các cảng lớn khác trên thế giới. Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất phía Bỉ hỗ trợ Việt Nam phát triển sản phẩm cacao để sản phẩm này được xuất khẩu sang Bỉ và gắn với thương hiệu sô-cô-la nổi tiếng của quốc gia này.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định Việt Nam tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp Bỉ đầu tư, liên doanh, liên kết sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như công nghệ logistic cảng biển, công nghệ khử mặn nước từ gió, công nghệ viễn thám, công nghệ bảo quản thực phẩm... Hai bên tếp tục đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo giữa các viện, trường và các vùng của Bỉ với Việt Nam. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh hai bên cần thảo luận nội dung cụ thể và cơ chế hợp tác phù hợp để triển khai thực chất các nội dung của Bản ghi nhớ về an toàn thực phẩm mà hai nước đã ký kết hồi tháng 10/2018.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn tiếp tục nhận được các hỗ trợ ODA của Bỉ để triển khai các nội dung hợp tác chiến lược cũng như phát triển ngành. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam đang nỗ lực để xử lý các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Người đứng đầu nganh nông nghiệp đề nghị Bỉ ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong triển khai chống khai thác IUU và có tiếng nói ủng hộ để Ủy ban châu Âu (EC) nhanh chóng xem xét việc tháo gỡ “thẻ vàng” đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam.
Về phần mình, Bộ trưởng liên bang về các tầng lớp trung lưu, Người làm nghề tự do, Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Nông nghiệp, David Clarinval chia sẻ những khó khăn, mất mát của Việt Nam do đại dịch COVID-19 trong thời gian gần đây, đặc biệt đối với người nông dân. Ông cũng bày tỏ mong muốn cùng hợp tác, thúc đẩy triển khai Hiệp định đối tác chiến lược nông nghiệp đã đực ký kết giữa hai Chính phủ nhân chuyến thăm của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 10/2018, trong đó, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ về đào tạo, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đầu tư tư nhân, phát triển hệ thống logistic phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp.
Bộ trưởng David Clarinval đồng ý với những đề nghị Việt Nam về phối hợp chặt chẽ để triển khai và mở rộng các dự án ODA tại Việt Nam như dự án xây dựng kho bảo quản trái cây lạnh tại vùng ĐBSCL, dự án khử mặn sử dụng năng lượng gió tại các tỉnh miền Trung và ĐBSCL, dự án phát triển lúa gạo và cacao bền vững, thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu của hai bên trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà đầu tư Bỉ phát triển cảng logistic cho trái cây tươi xuất khẩu đi châu Âu tại cảng Cái Mép Hạ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng các thành viên Việt Nam và Bỉ. |
Ngoài ra, Bộ trưởng David Clarinval cũng nhấn mạnh về những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Bỉ như cherry, thịt lợn, cần được tạo điều kiện thuận lợi để có mặt tại thị trường Việt Nam.