Vĩnh biệt nhà thơ trào phúng, luật sư Lý Đại Long

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Từ thuở đầu xanh đến khi tóc râu bạc trắng, Lý Đại Long chỉ làm duy nhất một nghề: Luật sư. Ông chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ làm thơ hay viết văn dù bạn bè của ông có rất nhiều người nổi tiếng hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Vào khoảng tháng 10/2023, Lý Đại Long nhờ tôi ấn hành giúp cuốn sách đầu tay của ông. Tưởng rằng sách của luật sư chắc là chuyện vụ án, nhưng không, đó là một tập thơ, lại là thơ trào phúng. Lúc đầu tôi ngạc nhiên, sau nghĩ lại thơ trào phúng mới đúng chất của con người quảng giao, phóng khoáng, hài hước, trào lộng như Lý Đại Long.

Vĩnh biệt nhà thơ trào phúng, luật sư Lý Đại Long ảnh 1

Nhà thơ trào phúng, luật sư Lý Đại Long.

Sáng nay 3/11, thật bất ngờ khi nhận tin luật sư Lý Đại Long qua đời tại nhà riêng sau cơn nhồi máu tim. Ông tên khai sinh Lê Văn Lý, sinh năm Giáp Thìn (1964) nên lấy bút danh Lý Đại Long vì đã có ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long rồi. Tập thơ trào phúng đầu tay có tên Cùi Bắp (NXB Đà Nẵng) cũng là cuốn sách cuối cùng của Lý Đại Long.

Làm luật sư cả cuộc đời, Lý Đại Long gặp những hoàn cảnh, bối cảnh cười ra nước mắt để từ đó đọng lại trong ông những phận người oái ăm, cảnh đời éo le, tình người ngang trái… Có thể vì những điều này đã khiến Lý Đại Long viết thơ trào phúng để diễn tả suy nghĩ và tâm trạng của mình.

Hiện nay, số lượng người làm thơ có tên trong các hội văn nghệ từ trung ương đến địa phương rất nhiều nhưng điểm danh những nhà thơ trào phúng thì lại rất ít, nếu không muốn nói là rất hiếm. Lý giải về điều này rất mong những nhà nghiên cứu chuyên sâu vào cuộc để có câu trả lời chính xác.

Chừng hai mươi năm trước, Lý Đại Long mở văn phòng luật kiêm quán cà phê ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Như nhiều luật sư khác đã làm, với người nghèo đều được ông và cộng sự trợ giúp, tư vấn pháp lý miễn phí. Nhưng khách đến văn phòng luật kiêm quán cà phê này khá ngạc nhiên khi thấy trên các vách tường vẽ đầy chân dung tội phạm của các vụ trọng án. Các bức họa này do chính tay luật sư Lý Đại Long vẽ và ông vẽ rất có thần.

Hỏi Lý Đại Long sao ông không vẽ phong cảnh mà vẽ chân dung tội phạm, toàn tội phạm khét tiếng? Ông nói: “Tội phạm khét tiếng vì họ biết sai, biết xấu, biết ác mà vẫn làm để rồi không thể quay đầu là bờ được. Khách đến văn phòng luật của tôi có nhiều loại người, không phải ai cũng là bị hại hay nạn nhân. Tôi muốn họ thấy cái sai, cái xấu, cái ác sẽ nhận hậu quả thế nào, để mà chùn tay khi có ý định làm bậy”.

Vĩnh biệt nhà thơ trào phúng, luật sư Lý Đại Long ảnh 2
Tập thơ trào phúng Cùi Bắp của luật sư Lý Đại Long.

Thơ trào phúng của Lý Đại Long cũng không ngoài những chiêm nghiệm về cái sai, cái xấu, cái ác đó của con người. Đọc thơ trào phúng của Lý Đại Long sẽ thấy được những “tấn trò đời” và cao hơn mọi loại hình luật pháp do con người đặt ra là luật nhân quả. Bằng trải nghiệm nghề nghiệp của mình, luật sư Lý Đại Long nhận ra mọi sự đều có căn nguyên gói gọn trong triết lý về lòng tham, sân, hận… mà nhà Phật đề cập.

Ngay chính luật sư Lý Đại Long đã chọn cách ăn chay trường hàng chục năm nay và ông thấy rằng ngay cả khi hai con chó, con mèo ông nuôi cũng ăn chay như chủ thì chúng sống với nhau rất hòa thuận không hề diễn trò “chó với mèo” nữa. Ăn chay hay ăn mặn là lựa chọn của mỗi người, Lý Đại Long vẫn ra quán nhậu nhưng ai mặn cứ mặn còn ông vẫn chay để bớt đi sự ham muốn đơn giản nhất mỗi ngày thông qua miếng ăn.

Trong tập thơ trào phúng Cùi Bắp này của Lý Đại Long, đa số ông viết theo thể sáu tám, có nhiều bài gieo vần chưa thật nhuyễn nhưng ông vẫn để vậy thay vì chịu khó sửa lại hoặc nhờ một nhà thơ chuyên nghiệp nào đó biên tập lại cho thuận mắt xuôi tai.

Có lẽ vì ông muốn in tập thơ này như một kỷ niệm của nghề luật sư; và bạn bè ông khi cầm tập thơ trong tay hiểu rằng đây là thơ trào phúng của người làm nghề luật sư có tên Lý Đại Long chứ không phải thơ của một nhà thơ chuyên nghiệp nào khác. Như trong bài Nghề nghiệp, ông viết: Nghề là ta chọn chính ta/ Mưu sinh cơm áo cho qua cuộc đời/ Nghiệp vô lượng kiếp xa xôi/ Hạt gieo mầm nở đến thời trổ hoa

Hơn một năm nay, thơ trào phúng của Lý Đại Long xuất hiện thường xuyên trên bán nguyệt san Tuổi trẻ cười - ấn phẩm châm biếm và trào phúng duy nhất hiện nay. Ông hẹn với tôi để anh viết nhiều một chút, gom nhuận bút nhiều một chút, nhờ tôi ấn hành giúp tập thơ trào phúng thứ hai để tặng bạn bè, nhưng giờ thì…

Linh cữu nhà thơ trào phúng, luật sư Lý Đại Long quàn tại tư gia: 85/48/8/15 Vườn Lài, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TPHCM. Lễ di quan lúc 7 giờ ngày 4/11 đưa linh cữu về quê. Lễ động quan lúc 15 giờ ngày 4/11, sau đó được an táng tại Nghĩa trang Thọ Vức, TP.Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.