Vỡ mộng tài xế xe công nghệ - Bài 4: Âm thầm “móc túi” khách hàng trên mỗi chuyến đi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Anh T.A đặt chuyến Becar từ đường Điện Biên Phủ (Q.1) về một trường học ở Khu dân cư Him Lam (huyện Bình Chánh) với tổng số tiền là 107.000 đồng, gồm cước phí 105.000 đồng và 2.000 đồng bảo hiểm chuyến đi.
Phí sử dụng ứng dụng mà Be thu của khách chỉ hiển thị trên màn hình ứng dụng của tài xế.
Phí sử dụng ứng dụng mà Be thu của khách chỉ hiển thị trên màn hình ứng dụng của tài xế.

Khách hàng không biết bị “móc túi”

Anh T.A kể với phóng viên Ngày Nay rằng bản thân thường sử dụng Grab để di chuyển mỗi khi trời nắng. Thời gian gần đây thấy Grab lùm xùm nhiều vụ nên chuyển sang trải nghiệm Be xem thế nào. Sẵn có hẹn với bạn ở Bình Chánh nên anh thử so sánh giá các hãng với nhau trước khi đặt xe. Anh nhận thấy cùng một quãng đường như trên thì giá của Becar 4 chỗ cao hơn 2.000 đồng so với Grabcar cùng phân khúc. Tuy nhiên, Be đang giảm giá 11.000 đồng trên mỗi chuyến nên anh chọn hãng này.

Tài xế đến đón là anh N.V.Tr. cùng chiếc Suzuki mới. Trong quá trình trao đổi trên đường đi, anh T.A phát hiện ra cước phí di chuyển hiển thị trên màn hình ứng dụng của tài xế Becar chỉ là hơn 98.300 đồng, hụt gần 6.700 đồng so với cước phí hiển thị trên ứng dụng của anh (105.000 đồng).

Đến nơi, T.A xin chụp lại màn hình điện thoại đang hiển thị hoá đơn chuyến đi của tài xế để đối chiếu. Theo đó, số tiền gần 6.700 đồng này được Be gọi tên là Phí sử dụng ứng dụng. Con số này chiếm khoảng 6,37% tổng cước phí chuyến đi.

Đáng chú ý, thông tin về Phí sử dụng ứng dụng mà Be thu của khách không hiển thị trên màn hình ứng dụng của khách đặt xe. “Tôi hoàn toàn không hay biết gì về việc Be thu tiền sử dụng ứng dụng trên mỗi chuyến đi. Sau khi kết thúc chuyến xe, tôi tìm trên trang web của Be thì thấy có đề cập, nhưng lại không hiển thị thông tin trên giao diện lúc đặt xe. Số tiền này không đáng gì nhưng tôi nghĩ cần phải sòng phẳng và rõ ràng với khách hàng, chứ âm thầm như vậy thì thật sự không hài lòng.”, anh T.A phàn nàn.

Vỡ mộng tài xế xe công nghệ - Bài 4: Âm thầm “móc túi” khách hàng trên mỗi chuyến đi ảnh 1

Màn hình ứng dụng của khách hàng (trái) không hiển thị thông tin Phí sử dụng ứng dụng.

Cũng tương tự như Be, hãng xe công nghệ đang chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là Grab cũng âm thầm thu tiền sử dụng ứng dụng của khách hàng kể từ tháng 2/2020. Số tiền này được Grab gọi là Phí nền tảng, được áp dụng đồng giá 1.000 đồng/chuyến đối với Grabbike, 2.000 đồng/chuyến với Grabcar và 3.000 đồng/chuyến đối với Grab giao hàng.

Chẳng hạn, khi một khách hàng đặt Grabcar có giá cước là 100.000 đồng thì phải trả thêm 2.000 đồng Phí nền tảng. Tổng số tiền phải thanh toán cho tài xế là 102.000 đồng (chưa tính bảo hiểm chuyến đi). Số tiền 2.000 đồng Phí nền tảng sau đó sẽ được Grab trừ lại từ ví của tài xế. Việc thu Phí nền tảng cũng không được hệ thống Grab hiển thị trên giao diện ứng dụng của khách hàng lúc đặt xe.

Một hãng xe công nghệ có thị phần khá cao khác là Gojek (trước là Go-Viet) cũng đang thu Phí nền tảng trên mỗi đơn hàng như Grab và Be. Theo đó, mức phí này là 1.000 đồng cho toàn bộ các đơn hàng và 2.000 đồng vào giờ cao điểm.

Như vậy, những hãng xe công nghệ đang có số lượng lớn người dùng ở Việt Nam như Grab, Be, Gojek đều đang thu Phí sử dụng ứng dụng/ Phí nền tảng. Đa số khách hàng khi được hỏi đều cho rằng số tiền một hai nghìn đồng là quá nhỏ, không đáng để bận tâm. Tuy nhiên, nếu nhân con số này với hàng triệu cuốc xe mỗi ngày thì số tiền chảy vào túi các hãng xe công nghệ là rất lớn.

Tài xế cũng không biết Phí nền tảng là gì?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất được các hãng nhấn mạnh trên website là việc thu Phí sử dụng ứng dụng/ Phí nền tảng sẽ không ảnh hưởng tới thu nhập, mức chiết khấu của đối tác tài xế. Tuy nhiên, đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng thì không hề được thông báo.

Vỡ mộng tài xế xe công nghệ - Bài 4: Âm thầm “móc túi” khách hàng trên mỗi chuyến đi ảnh 2

Nhiều tài xế cũng không biết Phí nền tảng/ Phí sử dụng ứng dụng là gì.

Theo Luật Giá 2012, quy định về giá phải thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ. Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khẳng định hành vi che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác là một trong các hành vi bị cấm.

Anh Trần Viết Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Ứng dụng Di Động Xanh cho rằng: “Nếu các hãng xe công nghệ thu Phí nền tảng hay Phí sử dụng ứng dụng đối với khách hàng mà không thông báo trên giao diện đặt xe, thì phải xem xét trên khía cạnh đối tác tài xế có biết việc này hay không, vì màn hình ứng dụng của họ có hiển thị thông tin này. Nếu biết, thì tài xế có đồng ý thu hộ khoản phí này thay cho các hãng xe công nghệ hay không?”.

Đề cập đến vấn đề này, rất nhiều đối tác tài xế của các hãng xe công nghệ cho biết chưa nắm hết Phí sử dụng ứng dụng/ Phí nền tảng là gì và ai sẽ là người chi trả khoản này. “Trước giờ mình có thấy trong hoá đơn sau mỗi chuyến đi có hiển thị Phí nền tảng nhưng không biết là gì và ai trả, chỉ thấy có 2 mục là ‘+ 2.000 đồng’ và ‘– 2.000 đồng’. Do mình không ảnh hưởng thu nhập nên cũng không quan tâm đến nó”, anh M.T, tài xế Grabcar ở Q.2 khẳng định.

Hoạt động vận tải hay ứng dụng công nghệ kết nối?

Theo các chuyên gia, các hãng như Grab, Be, Gojek… đưa ra lý do thu phí đối với khách hàng nhằm mục đích nâng cấp dịch vụ là hoàn toàn vô lý. Các hãng xe này đều khẳng định mình là sản phẩm công nghệ, ứng dụng cung cấp dịch vụ kết nối giữa khách hàng và những người có xe. Khách hàng khi dùng ứng dụng đã trả tiền cước cho tài xế, tài xế chia lợi nhuận từ 20% – 25% cho các hãng. Việc hãng thu Phí nền tảng/ Phí sử dụng ứng dụng trên mỗi chuyến xe là lần thu tiền thứ hai đối với khách hàng. Đây là hình thức bán bản quyền ứng dụng, giống như những công ty lớn như Google, Microsoft, Adobe… bán sản phẩm của mình theo tháng, năm.

Vỡ mộng tài xế xe công nghệ - Bài 4: Âm thầm “móc túi” khách hàng trên mỗi chuyến đi ảnh 3

Việc tự quyết định giá cước và điều động tài xế là hoạt động kinh doanh vận tải.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, các hãng định danh cho mình là sản phẩm công nghệ nhưng lại tự quyết định giá cước và điều động tài xế. Đây là hoạt động kinh doanh vận tải. Chẳng hạn như trong vụ Vinasun kiện Grab, Toà án cũng đã khẳng định hoạt động của Grab là kinh doanh taxi đồng thời xác định Grab đã vi phạm Nghị định 86 và Đề án 24 khi chỉ được cung cấp phần mềm ứng dụng nhưng lại kinh doanh vận tải taxi. Hiện tại, Grab đã thực hiện bồi thường thiệt hại cho Vinasun theo phán quyết của Toà.

Anh Trần Viết Quân nhận định rằng, tốc độ phát triển các công ty công nghệ hiện nay rất nhanh. Chính phủ cũng đã cho thí điểm một vài mô hình kinh doanh mới để phù hợp hơn với thực tiễn. Như mô hình của các ứng dụng như Grab, Be, Gojek… thì họ đang là một siêu ứng dụng và doanh thu đến từ nhiều phương thức khác nhau, như việc tự quyết định giá cước và điều động tài xế là hoạt động kinh doanh vận tải; việc bán bản quyền ứng dụng…

“Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa thể định danh chính xác cho các siêu ứng dụng như Grab, Be, Gojek… là sản phẩm công nghệ kết nối xe và khách hàng hay kinh doanh vận tải, thì điển hình như Grab đã nhanh chóng vươn ra nhiều lĩnh vực khác như giao hàng, thương mại điện tử, ví điện tử, thanh toán trực tuyến…”, anh Quân nhận định.

Tên một số nhân vật được viết tắt theo yêu cầu!

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).