Vỡ mộng tài xế xe công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  LTS: Taxi công nghệ hay xe ôm công nghệ không còn là khái niệm xa lạ với người dân, kể từ khi các tập đoàn lớn của nước ngoài như Grab, Gojek... đầu tư vào Việt Nam. Nhiều người loá mắt trước những tin tức về khoản thu nhập cao ngất ngưỡng đã đầu tư tiền bạc, công sức, thời gian thậm chí nghỉ việc để chạy xe công nghệ.
Một tài xế Grab đậu xe chờ khách ở khu vực trung tâm Q.1.
Một tài xế Grab đậu xe chờ khách ở khu vực trung tâm Q.1.

Thế nhưng, bức tranh màu hồng đó liệu có đẹp đẽ như những gì nó thể hiện bên ngoài, khi ngày càng có nhiều người phải bán xe, nghỉ chạy thậm chí bán nhà vì thu nhập teo tóp, bởi luật chơi được đưa ra bởi đơn vị kinh doanh nắm giữ thị trường.

Vỡ mộng giấc mơ tài xế xe công nghệ - Bài 1: Những người đàn ông “sập hầm”

Anh N.T.N kinh doanh hạt điều tại Bình Phước. Nghe bạn bè kháo nhau thu nhập từ việc trở thành tài xế xe công nghệ rất cao nên quyết định nghỉ kinh doanh, vay tiền ngân hàng mua ô tô chạy taxi công nghệ với hy vọng về một cuộc sống khá giả hơn.

Vay 500 triệu mua ô tô rồi bán xe trả nợ

Anh N. là dân Sài Gòn chính gốc. Anh sinh ra và lớn lên ở Q.Bình Tân trong một gia đình không mấy khá giả. Sau khi lấy vợ, sinh con, anh dắt díu cả gia đình xuống tỉnh Bình Phước lập nghiệp bằng nghề buôn bán hạt điều. Ban đầu, thu nhập từ nghề này khá ổn định nên anh cũng có đồng ra đồng vào, cuộc sống trôi qua trong bình lặng.

Đến cuối năm 2016, nghe bạn bè kể về sự xuất hiện của các hãng xe công nghệ tại Việt Nam mang lại thu nhập khủng nên anh có chút lung lây, sẵn có nghề lái xe trong tay nên anh thêm ý định trở về nơi chôn nhau cắt rốn để được gần với người thân, họ hàng. Sau khi bàn bạc với vợ, gia đình ba người từ bỏ nghề buôn hạt điều tại Bình Phước, khăn gói trở lại Sài Gòn, ở chung với gia đình người anh ruột.

Vốn liếng sau nhiều năm làm hạt điều cũng được hơn hai trăm triệu đồng lận lưng, anh dùng giấy tờ nhà làm thủ tục vay ngân hàng thêm 500 triệu đồng góp vào mua chiếc ô tô Suzuki Ertiga 2016, giá lăn bánh vào thời điểm đầu năm 2017 là 710 triệu đồng. Bao nhiêu hy vọng anh đặt hết vào lần đầu tư này.

Anh N. đăng ký chạy cho hãng Uber (sáp nhập với Grab vào năm 2018) với thu nhập hằng tháng lên tới khoảng 25 triệu đồng sau khi đã khấu trừ hết chi phí cho hãng xe công nghệ này. Những tháng “ế” khách, số tiền anh mang về lo cho ba miệng ăn cũng được tầm 20 triệu. “Lúc đó, mỗi ngày mình chỉ chạy khoảng 8 - 9 tiếng đồng hồ là đã đủ sống, sau khi đã trả lãi cho ngân hàng 11 triệu đồng mỗi tháng”, anh N. chia sẻ.

Người đàn ông sinh năm 1983 kể rằng, đến năm 2018, tài xế tăng lên thì hãng Grab cũng bắt đầu thay đổi nhiều chính sách, không còn thưởng cho tài xế như trước đó nữa và cũng áp đặt những điều khoản xử phạt. Là trụ cột gia đình, để duy trì thu nhập lo cho vợ và con gái nhỏ, anh N. phải tăng thời gian chạy xe lên từ 10 - 12 tiếng mỗi ngày mới kiếm đủ như trước.

Vỡ mộng tài xế xe công nghệ ảnh 1

Theo các tài xế, trong năm 2020, lượng khách đi xe công nghệ giảm khoảng 50% so với trước đó.

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu khó khăn hơn từ những tháng cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020. “Lúc này, tài xế Grabcar đã rất đông rồi, cộng thêm nhiều hãng xe công nghệ khác ra đời nên sự cạnh tranh cao, hãng lại siết những chính sách đối với thu nhập của tài xế nên số tiền kiếm được giảm rất rõ. Đặc biệt là năm 2020, dịch Covid-19 khiến lượng khách đi xe giảm khoảng 50%, nếu trước đây trong một buổi có 10 khách thì nay chỉ còn 5 thôi. Điều này khiến thu nhập của mình chỉ còn khoảng một nửa so với trước, tức là khoảng 12 triệu một tháng”, anh N. giải thích và nói thêm:

“Tới thời điểm này, mỗi tháng mình còn trả ngân hàng 8 triệu đồng. Số còn lại quá ít, không thể lo cho cả gia đình được vì tất cả chi phí đều phụ thuộc vào mình. Vợ chỉ làm công việc nội trợ và chăm sóc con. Thật sự đến lúc này là mình gồng không nổi nữa, chấp nhận bỏ cuộc. Tháng 5/2020, mình đăng tin bán xe với giá 380 triệu nhưng cuối cùng chỉ bán được 295 triệu đồng, lỗ khoảng 60%. Mình mang tất cả đi trả nợ ngân hàng để dứt tiền mỗi tháng, còn dư một ít, mình trang trải trong thời gian đi xin việc khác”.

Hiện tại, anh N. đã xin được vào làm tài xế xe tải cho một công ty sản xuất nhựa với mức lương tương đối cao. Anh nói rằng, dù làm công ăn lương, gò bó thời gian nhưng thu nhập ổn định, lo được cho gia đình chứ không như quãng thời gian trước lái xe công nghệ, đi sớm về hôm mà tiền kiếm được lại bữa đực bữa cái.

Nghỉ việc chạy Grab rồi ôm trái đắng

Nhiều năm trước, Vinasun là một trong những hãng taxi chiếm thị phần lớn nhất trong ngành vận tải hành khách với số lượng xe bốn chỗ và bảy chỗ lên tới hàng ngàn chiếc. Với thu nhập khoảng 12-15 triệu đồng mỗi tháng sau khi chia lợi nhuận và trừ các chi phí, rất nhiều người đam mê vô lăng đăng ký trở thành tài xế cho hãng này.

Anh N.V.H ở Q.8 (TP.HCM) đã ngoài 50 tuổi với gần 20 năm kinh nghiệm cầm lái taxi chở khách của Vinasun. Sau nhiều năm tích góp cùng với doanh thu từ tiệm làm tóc của vợ, anh cũng sắm cho mình được chiếc Toyota Vios đời cũ để chạy dịch vụ thêm mỗi khi rảnh rỗi.

Vỡ mộng tài xế xe công nghệ ảnh 2

Nhiều nghỉ bỏ lái taxi truyền thống để vay tiền mua ô tô chạy xe công nghệ vì loá mắt trước những thông tin thu nhập cao ngất ngưỡng.

Cách đây khoảng bốn năm, nhìn thấy nhiều bạn bè chạy taxi công nghệ có thu nhập cao, anh H. quyết định từ bỏ công ty đã từng gắn bó nhiều năm để trở thành tài xế taxi công nghệ. Người đàn ông này nộp đơn xin nghỉ hẳn ở Vinasun để đăng ký chạy Grabcar bằng chiếc bốn chỗ cũ kỹ. Thấy ổn, anh quyết định đầu tư thêm để “lên đời cho xế”.

Anh bán xe được hơn 100 triệu đồng, bù thêm một ít và vay ngân hàng mua chiếc Vios 2018 khoảng 600 triệu đồng để hành nghề. Cũng giống như phản ánh của nhiều tài xế khác, anh H. kể năm 2018 thu nhập từ việc chạy Grabcar khá ổn nên sau khi trừ hết chi phí, trả lãi ngân hàng thì anh vẫn dư giả lo cho gia đình.

Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu xấu dần kể từ năm 2019. Sự cạnh tranh tăng cao, hãng ra những điều khoản ràng buộc mới, khách đi xe giảm... khiến anh không biết xoay sở ra sao. Từ 15 - 20 triệu đồng thu nhập mỗi tháng giảm xuống một nửa khiến cuộc sống gia đình anh đảo lộn.

Nợ ngân hàng, tiền chi tiêu hằng ngày, chăm sóc con cái khiến áp lực đè nặng lên đôi vai người đàn ông này. Đã ngoài 50, sức khoẻ anh H. không cho phép “cày” 12 - 14 tiếng mỗi ngày, cộng với chính sách “xếp hạng tài xế” khiến những cuốc xe thưa thớt dần nên số tiền kiếm được ngày một ít đi. Để thoát khỏi cảnh gồng mình trả nợ ngân hàng, anh lại bán xe được 450 triệu đồng rồi xin làm tài xế cho các công ty để ổn định cuộc sống.

Trớ trêu hơn là hoàn cảnh của anh H.T ở Nhà Bè. Hiện cuộc sống của anh đang vô cùng cơ cực khi phải bán xe, bán nhà sau lần đầu tư chạy xe công nghệ vào năm 2018. “Tham gia cuộc chơi, mà cuộc chơi thất bại rồi thì mình không còn quan tâm gì nữa. Giờ quan trọng là tự mỗi người tự nhận ra mà thôi”, anh T. chua chát nói qua điện thoại với phóng viên Ngày Nay.

Vỡ mộng tài xế xe công nghệ ảnh 3

Nhiều người phải bán xe vì thu nhập từ xe công nghệ không đủ để trả tiền nợ ngân hàng.

Từ một người có nhà cửa ổn định, giờ anh T. phải ở nhà thuê hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, tính cả điện nước. Mẹ già lại bệnh nặng buộc anh phải ở nhà chăm sóc 24/24, không thể xin việc làm. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày của hai mẹ con đều phụ thuộc vào số tiền bán nhà ít ỏi còn lại và sự giúp đỡ của họ hàng.

Nghe bạn bè rỉ tai, người đàn ông sinh năm 1983 bỏ công việc lái xe cho công ty. Anh vay ngân hàng khoảng 600 triệu, mượn bên ngoài tầm 100 triệu và bù thêm để mua chiếc Toyota Innova hơn 900 triệu đồng, đăng ký chạy cho Grab. Mỗi tháng, số tiền nợ ngân hàng anh phải trả tầm 12 triệu.

Chạy được hơn một năm mà vẫn không có dư, trong khi áp lực từ ngân hàng ngày càng đè nặng, anh T. buông bỏ. Giữa năm 2019, anh bán xe được hơn 600 triệu đồng và tất toán nợ. Không còn “cần câu”, nợ bên ngoài tới hạn, anh T. xin vào làm nhân viên giao hàng của Viettel để có thu nhập.

Thế nhưng, được chừng hai tháng thì bệnh tình của mẹ anh trở nặng không ai chăm sóc. Anh T. tiếp tục nghỉ việc để bên cạnh mẹ già. Không có tiền trang trải, anh chọn giải pháp bán căn nhà cấp bốn được hơn một tỷ đồng rồi hai mẹ con ra thuê trọ. Kể từ lần đầu tư thất bại phải bán xe, cho đến khi mẹ già bệnh nặng phải bán nhà, anh tự thu mình lại, hạn chế gặp người khác, kể cả là bạn thân. Có lẽ, vì mặc cảm?!

Tên nhân vật được viết tắt theo yêu cầu!

Vỡ mộng giấc mơ tài xế xe công nghệ - Bài 2: Một ngày 17 tiếng ôm vô lăng

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).