Theo AFP, thuyền trưởng Lee Joon-Seok và ba thuyền viên bị buộc tội “giết người do cố ý vô trách nhiệm”. Đây là tội danh nằm giữa tội giết người và ngộ sát, nhưng vẫn chịu mức án cao nhất là tử hình. 11 thuyền viên khác bị buộc tội "vô trách nhiệm cấp hình sự" và vi phạm luật hàng hải.
Người nhà các nạn nhân của phà Sewol khóc than ngóng chờ tin tức người thân. |
Trước đó, khi chiếc phà Sewol chở gần 500 trăm hành khách bị chìm ngoài khơi đảo Jindo, thuyền trưởng Lee và các thuyền viên trên đã bỏ chạy khỏi phà mặc cho hàng trăm hành khách mắc kẹt bên trong. 22 trong số 29 thủy thủ thoát chết. Đây được coi như một thảm họa đối với Hàn Quốc. Phát biểu trên truyền thông, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã mô tả hành vi của thủy thủ phà Sewol “tương đương tội giết người”.
Dư luận và truyền thông Hàn Quốc kêu gọi nhà chức trách phải trừng phạt nghiêm khắc thuyền trưởng Lee Joon-Seok cùng đoàn thủy thủ tàu Sewol. Đông đảo phụ huynh của các học sinh thiệt mạng cũng đã bắt xe bus đến thành phố Gwangju để dự phiên tòa này.
Phản ứng dữ dội của dư luận đã khiến các bị cáo gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê luật sư bào chữa. Luật sư Jason Ha ở Seoul nhận định: “Đây là một vụ xử khó khăn và tòa án sẽ phải gánh chịu áp lực cực lớn”.
Liên quan tới thông tin tìm kiếm, cứu nạn phà Sewol sau gần 2 tháng bị chìm dưới biển, các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết, vào đêm ngày 8/6, các thợ lặn đã trục vớt thêm 1 thi thể hành khách nam tại mạn phía trước thuộc tầng 4 của con phà, nâng tổng số người thiệt mạng tạm tính ở thời điểm hiện tại là 292 người. Hiện các chuyên gia đang lên kế hoạch xét nghiệm DNA và quét vân tay để xác nhận danh tính của nạn nhân này. Như vậy, tính đến nay, số người mất tích trong vụ chìm phà Sewol đã giảm xuống còn 12 trường hợp.
Hiện tại, cảnh sát Hàn Quốc vẫn đang truy lùng doanh nhân Yoo Byung-Eun, người đứng đầu gia đình sở hữu công ty Chonghaejin Marine Co, chủ phà Sewol. Các công tố viên đã treo giải thưởng 500.000 USD cho ai cung cấp thông tin về ông Yoo.