Động thái này được Liên đoàn VBSF thực hiện sau khi Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) có văn bản chỉ đạo làm rõ, xác minh nội dung báo chí phản ánh việc Yến Nhi trình bày trên trang Facebook cá nhân với gần 50.000 người theo dõi về giải đấu cũng như công tác của Liên đoàn.
Yến Nhi hiện xếp thứ nhất trên bảng xếp hạng của Liên đoàn VBSF - Ảnh: Facebook Yến Nhi |
Huề vốn!
Trao đổi với Ngày Nay, Yến Nhi cho biết buổi làm việc kéo dài khoảng một tiếng rưỡi nhưng “không giải quyết được gì”. Nữ cơ thủ sinh năm 1999 vẫn nhất quán quan điểm như ban đầu là không yêu cầu Liên đoàn VBSF phải lo chi phí. Cô chỉ muốn nói lên câu chuyện, Liên đoàn VBSF cử cơ thủ đi dự giải thế giới tại Pháp và cô phải tự lo toàn bộ chi phí.
Yến Nhi cho biết thêm, bản thân đã 3 lần dự giải vô địch thế giới nội dung carom 3 băng và đây là lần duy nhất phải tự lo chuyện tiền bạc. “Hai lần trước em không mất đồng nào, em cũng không biết đơn vị nào chịu trách nhiệm kinh phí hay ai đã tài trợ cho việc này”, nữ cơ thủ nói: “Em chỉ biết là họ báo cho các tỉnh ngay từ đầu năm để có chuẩn bị”.
Nói với truyền thông, đại diện Liên đoàn VBSF cho rằng buổi làm việc để rà soát lại tất cả các bước, quy trình, kế hoạch... để xem thiếu sót ở đâu, chưa chặt chẽ chỗ nào để rút kinh nghiệm về sau. Trong thư mời đề nghị làm việc, đơn vị này nêu: “Nhằm thống nhất các thông tin chính thức cung cấp cho báo chí tránh làm ảnh hưởng uy tín và hoạt động của VBSF và ngành thể thao”.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, phía Liên đoàn giải thích rằng, trong Quyết định cử cơ thủ đi dự giải đã ghi rõ là kinh phí do địa phương thu xếp, chứ không phải do Liên đoàn hứa cho tiền mà không thực hiện. Hiện tại, Yến Nhi là hội viên cá nhân của Liên đoàn, không phải là thành viên. “Liên đoàn giúp đỡ vận động viên hoàn thiện thủ tục”, phía VBSF nói.
“Quy định, quy chế của Liên đoàn về chi tiêu không có mặt bắt buộc chi tiền cho vận động viên tham dự giải từ khi thành lập đến giờ, kể cả Vinh (Bao Phương Vinh - PV) và Chiến (Trần Quyết Chiến – PV) cũng không nhận hỗ trợ nào của Liên đoàn. Liên đoàn mới thành lập đây, có nhiều hoạt động thu chi và thu chi như thế nào đã có quy định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán”, một quan chức Liên đoàn VBSF cho hay.
Kinh phí hoạt động của Liên đoàn lấy từ đâu?
Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) được thành lập theo quyết định 356/QĐ-BNV ngày 9/3/2021 của Bộ Nội vụ. Đến tháng 7/2022, điều lệ hoạt động của Liên đoàn được Bộ Nội vụ phê duyệt.
Website của Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF). |
Theo đó, Liên đoàn VBSF là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện dành cho tổ chức, công dân có liên quan, yêu thích bộ môn này. Mục đích là tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp báo của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động… Billiards, nâng cao thành tích và vị thế của môn Billiards & Snooker Việt Nam trong khu vực và thế giới, góp phần phát triển nền thể dục, thể thao của nước nhà….
Hội viên Liên đoàn VBSF gồm các tổ chức và cá nhân, được Liên đoàn bảo vệ, được cung cấp thông tin, tham gia các hoạt động do Liên đoàn tổ chức, có thẻ, có quyền biểu quyết, ứng cử… Ngoài ra còn được Giám sát hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Liên đoàn, được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc, có quyền xin ra khỏi Liên đoàn khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viên…
Đổi lại, hội viên nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chủ trương Việt Nam, chấp hành điều lệ, nghị quyết; tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Liên đoàn; không tự ý nhân danh Liên đoàn trong các quan hệ giao dịch, chỉ nhân danh khi được cho phép bằng văn bản và đóng hội phí đầy đủ.
Quy chế Hội viên của Liên đoàn này nêu: “Đối với hội viên tổ chức, lệ phí gia nhập là 500.000 đồng, hội phí thường niên 2 triệu đồng, hội viên gia nhập sau ngày 30/6 hằng năm đóng bằng 1/2 lệ phí và hội phí. Đối với hội viên cá nhân, lệ phí gia nhập là 200.000 đồng, hội phí thường niên là 500.000 đồng, hội viên gia nhập sau ngày 30/6 hằng năm đóng bằng 1/2 lệ phí và hội phí”.
Hội viên danh dự không phải đóng phí. Lệ phí cấp thẻ hội viên cá nhân khi thay đổi thông tin hoặc thẻ bị hỏng, mất là 100.000 đồng mỗi lần. Mức phí này áp dụng từ ngày 1/1/2023, chuyển khoản vào tài khoản Liên đoàn VBSF hoặc đóng trực tiếp.
Theo điều lệ được phê duyệt, Liên đoàn VBSF tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Trong đó, nguồn thu của Liên đoàn đến từ Lệ phí gia nhập Liên đoàn, hội phí hàng năm của hội viên; thu từ các hoạt động của Liên đoàn theo quy định, tiền tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các khoản hợp pháp khác.
Liên đoàn chi cho các khoản: hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Liên đoàn, chi thuê trụ sở làm việc, mua sắm phương tiện làm việc, chi thực hiện chế độ, chính sách đối với những người làm việc tại Liên đoàn theo quy định, chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật…
Từ những nội dung trên có thể thấy, nữ cơ thủ Yến Nhi là Hội viên Liên đoàn VBSF, được cử đi dự giải vô địch thế giới với tư cách đại diện nước nhà và giành huy chương đồng, thành tích chưa từng có trong lịch sử Billiards & Snooker Việt Nam, rạng danh Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Bỏ qua câu chuyện tiền bạc rẻ rúng, đáng ra, Liên đoàn VBSF phải có những ghi nhận xứng đáng với thành tích mà Yến Nhi mang về theo đúng điều lệ mà Bộ Nội vụ phê duyệt, nhưng thay vào đó nữ cơ thủ chỉ toàn nhận lại những cái ngó lơ và lùm xùm đáng chán!
Bộ sưu tập huy chương của Yến Nhi ở nội dung này gồm: Huy chương bạc Sea Games tại Campuchia (5/2023), Huy chương vàng Quốc gia tại Bình Thuận (6/2023), Huy chương vàng cúp VBSF tại Đà Nẵng (4/2024), Huy chương vàng Quốc gia lần thứ 2 liên tiếp tại Bà Rịa - Vũng Tàu (6/2024). Trên bảng xếp hạng của Liên Đoàn Billiards & Snooker Việt Nam, nữ cơ thủ đang giữ vị trí số 1.
Gần đây, Yến Nhi có bài đăng trên trang Facebook cá nhân kể về chuyến thi đấu tại giải World Championship for Ladies (Vô địch Thế giới nữ) đầy những bất công khi Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam để vận động viên tự túc tất cả chi phí lên đến gần 55 triệu đồng/người.
Tại giải đấu trên đất Pháp, nữ cơ thủ đã thiết lập nên cột mốc lịch sử cho Billiards carom 3 băng Việt Nam khi giành Huy chương đồng. Thành tích này giúp Yến Nhi trở thành nữ cơ thủ đầu tiên của Việt Nam có được huy chương tại một giải vô địch cấp độ thế giới.