Như Ngày Nay đã thông tin, chùa Kim Liên tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số hạ mục như tường bao, phần chóp mái… đã được cho làm mới. Trước sự việc này, chính quyền quận Tây Hồ và ngành văn hoá của TP Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Về sự việc này, sư cô Thích Đàm Thành, trụ trì chùa Kim Liên cho biết, do bức tường bao đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập, nên nhà chùa đã thuê thợ đập tường cũ đi và xây tường mới.
Thông tin từ Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), ngay khi nhận được thông tin về vấn đề trên, Ban quản lý đã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra, đề nghị chính quyền địa phương tạm dừng việc thi công, xem xét giải quyết theo thẩm quyền; báo cáo kết quả và đề xuất phương án giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo đúng quy định.
Theo đại diện UBND phường Quảng An, sau khi có thông tin phản ánh và chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về vụ việc xảy ra tại chùa Kim Liên, UBND quận Tây Hồ cùng UBND phường đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ tiến hành lập biên bản về việc nhà chùa xây lại tường rào ở vị trí hai bên cạnh cổng Tam quan chưa có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Đại diện UBND quận Tây Hồ, trước đó, chính quyền địa phương đã hướng dẫn nhà chùa lập hồ sơ gửi các cơ quan chức năng để đề nghị được sửa chữa, tu bổ lại chùa. Tuy nhiên, khi hồ sơ chưa kịp hoàn thiện, thì nhà chùa đã tự ý tiến hành thi công, với lý do đang trong mùa mưa bão, bức tường đã xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn. Hiện tại, quận Tây Hồ đang tiếp tục làm việc với các bên có liên quan và yêu cầu những người đứng đầu chùa Kim Liên phải khôi phục nguyên trạng lại bức tường bao ở chùa.
Sự việc xảy ra tại di tích chùa Kim Liên không phải là cá thể cho trong vấn đề xâm phạm di tích. Tuy nhiên, gần như tất cả các vụ việc xâm phạm được cho là chưa xử lý đến nơi, đến trốn mặc dù Luật di sản đã được ban hành từ rất lâu.
Về vấn đề này, Luật sư Đoàn Thị Phương Thảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hoá, danh lam, thắng cảnh là không thực hiện đúng các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ hoặc sử dụng di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ quản lý, bảo vệ, sử dụng di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh. Có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh. Được thể hiện qua hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ những quy định về quản lý và bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh làm cho các đối tượng này bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng.
Trong trường hợp hành vi nêu trên phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và được hiểu là do thực hiện một trong các hành vi nêu trên đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh như làm cho các đối tượng này bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng phải sửa chữa rất tốn kém…
Nếu hành vi nêu trên chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này (nêu ở mặt khách quan), hoặc đã bị kết án về tội phạm này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật pháp quy định, người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử -văn hoá, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử -văn hoá, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử -văn hoá, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử -văn hoá, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Đối với trường hợp xảy ra tại chùa Kim Liên, cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc để từ đó có hình thức xử lý phù hợp nhất vừa đảm bảo tính nghiêm khắc của luật pháp, vừa đảm bảo tính chất tuyên truyền, phổ biến kiến thức hiểu biết để bảo vệ các di tích đặc biệt.