Công ước UNESCO ICH được ra đời vào năm 2003 với mục đích tôn vinh và bảo vệ những giá trị văn hóa phi vật thể như nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật biểu diễn, tập quán xã hội, nghi lễ và sự kiện lễ hội…
Sự kiện Vương quốc Anh gia nhập công ước UNESCO ICH thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia này trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, góp phần vào sự đa dạng văn hóa và sự phát triển bền vững trên toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã tiến hành cuộc tham vấn cộng đồng vào tháng 1/2024 về việc thành lập sổ đăng ký mới để cộng đồng trên khắp đất nước có thể "đề cử những truyền thống địa phương họ yêu thích nhất".
Kể từ khi được thành lập, UNESCO ICH chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng quốc gia tham gia. Các quốc gia thành viên mới bao gồm: Angola, Kiribati, Libya, Malta, San Marino, Singapore, Quần đảo Solomon, Somalia, Suriname, Tuvalu. Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Thành tựu và tầm quan trọng của công ước UNESCO
Công ước UNESCO ICH đã trải qua 20 năm đầy ý nghĩa, đánh dấu hành trình không ngừng nghỉ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá của nhân loại.
Điểm nhấn nổi bật trong hai thập kỷ qua chính là việc đề cao vai trò trung tâm của "di sản sống", trao quyền cho cộng đồng trong việc gìn giữ và truyền tải di sản. Nhờ vậy, tiếng nói riêng của từng cộng đồng đều được tôn vinh.
Công ước cũng đóng vai trò như kim chỉ nam cho các quốc gia trong việc xây dựng các chính sách, thể chế, khung pháp lý, các chương trình giáo dục và kinh tế phù hợp để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể một cách hiệu quả.
Thành quả của công ước thể hiện qua việc có 730 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách và sổ đăng ký của công ước. Đây là minh chứng cho sự đa dạng, phong phú của di sản trên toàn cầu, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ giá trị văn hóa cho các thế hệ tương lai.