Nhằm đảm bảo nguồn cung vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác và điều này đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra nhận định trên ngày 18/8 khi đề cập tới hiện tượng mà ông gọi là "chủ nghĩa dân tộc vắcxin."
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến kêu gọi chấm dứt tình trạng "chủ nghĩa dân tộc vắcxin", Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: "(Hành động) một cách chiến lược và trên quy mô toàn cầu thực sự là lợi ích quốc gia của mỗi nước - không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn". Ông Ghebreyesus cho biết ông đã gửi thư tới tất cả các nước thành viên của WHO, trong đó đề nghị những nước này tham gia nỗ lực đa phương về phát triển vắcxin phòng ngừa COVID-19.
Trong khi đó, cố vấn cấp cao của WHO - ông Bruce Aylward cho biết các thỏa thuận cung cấp vắcxin phòng dịch COVID-19 của các quốc gia trên thế giới, trong trường hợp phát triển thành công loại vắcxin này, cần phù hợp với cách tiếp cận toàn cầu. Khuyến cáo trên của ông Aylward được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết sẽ đẩy nhanh công tác thử nghiệm, bào chế thuốc và vắcxin phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong nước mình và chia sẻ các vắcxin này với thế giới, theo tinh thần một sáng kiến do WHO khởi xướng được biết đến với tên gọi tắt là ACT (Tiếp cận công cụ xử lý COVID-19).
Cố vấn cấp cao WHO Aylward cũng đồng thời kêu gọi các nước triển khai tiêm phòng bệnh cúm trên diện rộng trong năm nay nhằm ngăn ngừa các biến chứng trong cơ thể bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo khẳng định được đưa ra trước đó của chuyên gia dịch tễ học của WHO - bà Maria Van Kerkhove, tới thời điểm hiện tại, kết quả các nghiên cứu cho thấy chưa đến 10% dân số toàn cầu có dấu hiệu chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2.