Quyền Giám đốc WHO tại khu vực Tây Thái Bình Dương, bà Zsuzsanna Jakab nhấn mạnh đã đến lúc trồng cây lương thực, chứ không phải thuốc lá, khi có tới hơn 400 triệu người trong khu vực sử dụng thuốc lá và 3 triệu người dùng thuốc lá tử vong mỗi năm. Theo bà Jakab, khi chính phủ ưu tiên vấn đề thương mại hơn sức khỏe, thì hệ sinh thái sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, người dân rơi vào cảnh thiếu đói và sức khỏe sẽ giảm sút.
Theo WHO, hơn 1 triệu hecta đất tại khu vực Tây Thái Bình Dương đã được sử dụng để trồng thuốc lá, trong khi hàng triệu người vẫn đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Bà Jakab cho rằng nếu dùng 1 triệu hecta đất này để trồng các loại cây lương thực nhiều dinh dưỡng sẽ đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu người, giúp trẻ em phát triển, cũng như giúp người trưởng thành phát huy tối đa tiềm năng.
Trong báo cáo có tựa đề "Trồng lương thực, chứ không phải thuốc lá", WHO nêu rõ việc trồng cây thuốc lá khiến người nông dân và gia đình họ đối mặt với bụi thuốc lá độc hại và hóa chất trừ sâu. Bên cạnh đó, môi trường cũng chịu ảnh hưởng do tình trạng phá rừng, ô nhiễm các nguồn nước, thoái hóa đất. Lượng cây bị phá bỏ để trồng thuốc lá chiếm 5% tỷ lệ phá rừng trên toàn cầu. Ước tính hơn 1 triệu lao động trẻ em trên thế giới đang làm việc tại các nông trại thuốc lá và bỏ lỡ học hành. WHO nhận định việc trồng thuốc lá là một vấn đề toàn cầu, do đó tổ chức này khuyến khích các chính phủ chuyển từ trồng thuốc lá sang các loại cây kinh tế khác thông qua các biện pháp can thiệp và hỗ trợ chính sách.