WHO hôm thứ Tư đã đề xuất 26 chuyên gia để thành lập Nhóm Cố vấn Khoa học mới về Nguồn gốc của các mầm bệnh mới (SAGO), trong đó có một số chuyên gia đã từng đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19.
"Hiểu được nguồn gốc của các mầm bệnh mới là điều cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai có khả năng xảy ra dịch bệnh và đại dịch, đồng thời đòi hỏi nhiều chuyên môn. Chúng tôi rất hài lòng với tầm cỡ của các chuyên gia được lựa chọn cho SAGO từ khắp nơi trên thế giới", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một tuyên bố.
Vào tháng 8 năm ngoái, WHO đã kêu gọi các nhà khoa học nộp đơn đăng ký, thông báo rằng họ đang tìm kiếm những bộ óc khoa học vĩ đại nhất để tư vấn về các cuộc điều tra các mầm bệnh mới có mối đe dọa cao lây nhiễm từ động vật sang người và có thể gây ra đại dịch tiếp theo.
Các ca mắc COVID-19 ở người đầu tiên đã được báo cáo tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12 năm 2019. Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
Đầu năm nay, một nhóm nghiên cứu do WHO dẫn đầu đã tới Vũ Hán và nghiên cứu nguồn gốc đại dịch và cho biết trong báo cáo kết luận rằng mầm bệnh có thể đã được truyền từ dơi sang người qua một loài động vật khác nhưng cần phải nghiên cứu thêm.
WHO, trong một bài xã luận trên tạp chí Science, cho rằng vẫn cần điều tra chi tiết về các trường hợp nghi nhiễm ở Trung Quốc trước tháng 12 năm 2019, bao gồm phân tích các mẫu máu được lưu trữ từ năm 2019 ở Vũ Hán và hồi cứu dữ liệu các ca nhập viện và tử vong trước đó.
Ông Chen Xu, đại sứ của Trung Quốc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, phát biểu trước báo giới rằng kết luận của cuộc điều tra hồi đầu năm là "khá rõ ràng" và các nhóm phái bộ nên tìm hiểu thêm manh mối tại các nước khác.
“Tôi tin rằng nếu chúng ta tiếp tục nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ đó phải là một nỗ lực chung dựa trên bằng chứng khoa học chứ không phải thông tin tình báo", đại sứ Chen khẳng định.