Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 9/12 công bố "Báo cáo thương mại thế giới năm 2019," trong đó dự đoán vào năm 2040 dân số Hàn Quốc vẫn sẽ duy trì mức tương tự như năm ngoái, song dân số lao động sẽ giảm 17%.
Đây là mức giảm mạnh nhất trong số các nước lớn, hoàn toàn đi ngược lại xu hướng tăng trung bình 17% của thế giới.
Theo sau Hàn Quốc, dân số lao động của Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 2040 được nhận định sẽ giảm 14%. Tỷ lệ này ở Nga và Liên minh châu Âu (EU) được dự báo giảm lần lượt 8% và 4%.
Trong số các nước lớn, dân số lao động của Ấn Độ sẽ ghi nhận mức tăng cao nhất 23%. Dân số lao động của Mỹ cũng được dự báo tăng 10%.
Dân số lao động có trình độ đào tạo dưới cấp phổ thông trung học của Hàn Quốc cũng sẽ giảm tới 51%, mức giảm mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, WTO dự báo dân số lao động trình độ cao của Hàn Quốc sẽ tăng tới 26% vào năm 2040.
Với xu hướng giảm dân số lao động như trên, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc tới năm 2040 chỉ dừng lại ở mức tăng 65%, thấp hơn mức tăng bình quân của thế giới là 80%.
Dù tỷ lệ này của Hàn Quốc cao hơn các nước phát triển như Nhật Bản (19%), EU (45%) và Mỹ (47%), song vẫn không thể sánh được với Ấn Độ (226%) và Trung Quốc (141%).
Báo cáo của WTO giải thích một số nước và khu vực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ tuyển dụng lao động tăng.
Đối với EU và Hàn Quốc, dù tổng số dân không giảm, nhưng dân số lao động giảm là do cơ cấu dân số theo độ tuổi thay đổi.
Ngoài ra, mặc dù lao động trình độ thấp ở các nước có giảm, song lao động trình độ cao dự đoán sẽ tăng ở hầu hết các khu vực, đặc biệt tại Ấn Độ và các nước đang phát triển châu Á.
Do đó, nhiều ý kiến lo ngại rằng tỷ lệ sinh thấp và tình hình già hóa dân số sẽ khiến dân số lao động của Hàn Quốc giảm nhanh hơn cả Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, tạo gánh nặng lớn cho tiềm lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai.