Trong họp báo bên lề Hội nghị lần thứ 4 của nhóm chuyên gia xây dựng cơ chế đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 đang diễn ra tại Nairobi, Kenya, Tổng giám đốc WWF Marco Lambertini nhấn mạnh toàn thế giới cần khẩn trương nhất trí thúc đẩy một hiệp định nhằm làm mới các nỗ lực bảo vệ các loài sinh vật và tăng tốc phát triển thiên nhiên theo hướng tích cực. Ông Lambertini cho rằng thế giới cần một cơ chế mới dựa trên khoa học, có thể đánh giá được và tham vọng hơn để đảo ngược tình trạng suy giảm môi sinh và tiến tới đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon toàn cầu.
Ông Lambertini cho rằng trong hội nghị lần này tại Nairobi, các bên cần vượt qua những cản trở do lợi ích riêng để cùng hoàn thiện một văn bản hiệp định giúp mở ra chương mới trong nỗ lực toàn cầu nhằm đảo ngược tình trạng suy thoái giống loài đang xảy ra với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Theo ông, mất đa dạng sinh học không chỉ gây ra khủng hoảng sinh thái học mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, mất an ninh lương thực, khan hiếm nước và suy giảm sức khỏe cộng đồng dân cư các vùng nông thôn.
Hội nghị tại Nairobi diễn ra từ ngày 21-26/6 nhằm thống nhất lại lần cuối dự thảo cơ chế khung toàn cầu giúp thiết kế lại những hoạt động bảo tồn các loài sinh vật trong thập kỷ tới. Cơ chế khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học dự kiến diễn ra tại Montreal, Canada từ ngày 5-17/12 tới.