Trong gần 20 năm qua, Vương quốc Maroc đã bắt tay vào thực hiện một kế hoạch toàn diện nhằm ngăn chặn và chống lại chủ nghĩa cực đoan, dựa trên sự phát triển của các cơ sở giáo dục và đào tạo các linh mục để truyền đạt một nền văn hóa Hồi giáo trung dung, cởi mở và khoan dung cho thế kỷ 21. Nhà vua đã thành lập Viện Mohammed VI mới. Bên cạnh đó, từ năm 2015, Ngài đã đưa Đại học Al Quaraouiyine trở lại dưới quyền của mình để cơ sở giáo dục này có thể trở lại vị trí trước đây như một tổ chức tham chiếu trong lĩnh vực tôn giáo và nền văn minh Hồi giáo.
Những nỗ lực này nhằm mục đích "tạo miễn dịch cho lĩnh vực tôn giáo chống lại chủ nghĩa cực đoan và tẩy chay bạo lực". Chính sách này được đi kèm với một dự án lớn cho việc khôi phục các đại học Hồi giáo, các trường học Kinh Koran truyền thống - vốn là một phần không thể thiếu của di sản văn hoá Maroc.
Tổng giám đốc UNESCO và Đức Vua Maroc đã thăm ba trường đại học Hồi giáo vừa được tân tạo và mở lại cho sinh viên. Phục hồi chức năng của các cơ sở giáo dục này là một phần của kế hoạch lớn hơn là cải tạo khu ‘Medina tại Fez’ - Di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1981. Thành phố cổ Fez nổi tiếng bởi những khu phố cổ gọi là Medina, bởi những sinh hoạt bình dị, và bởi trường đại học lâu đời nhất thế giới.
"Chúng ta chắc chắn cần "sức mạnh cứng" để hành động, nhưng điều đó không đủ. Chúng ta cũng phải chiến thắng trong trận chiến những ý tưởng để ngăn chặn mối đe dọa từ các diễn giải sai lầm về đức tin và lịch sử. Đây là cuộc chiến về giáo dục và văn hóa, trong đó UNESCO đóng vai trò trung tâm”, Tổng giám đốc khẳng định.
“Khi những người trẻ biết đến sự thù hận, thì chính chúng ta phải dạy họ về hòa bình” - Bà Irina Bokova nhấn mạnh rằng điều này phải bắt đầu từ trên băng ghế của các trường học, bao gồm bằng cách học về lịch sử Hồi giáo và các giá trị, kiến trúc, thư pháp và sự đóng góp to lớn của tôn giáo này đối với lịch sử nhân loại nhằm xây dựng và duy trì đối thoại và nhân phẩm.
Maroc là nước Ả-rập đầu tiên làm việc với UNESCO để phát triển Chiến lược quốc gia nhằm ngăn chặn bạo lực cực đoan thông qua giáo dục. UNESCO đã tăng cường các chương trình phòng ngừa chủ nghĩa cực đoan, bạo lực thông qua giáo dục vì quyền công dân toàn cầu, chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hận thù, bao gồm chống tư tưởng chống Do Thái và ngành công nghiệp chống Hồi giáo (islamophobia).