Hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ trái cây Việt Nam tại nước ngoài, các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam thường xuyên tổ chức gian hàng quảng bá trái cây Việt tại các lễ hội ẩm thực, sự kiện quảng bá ẩm thực, văn hóa và hình ảnh Việt Nam tới đông đảo người dân các nước. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại một số nước đang tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm các đầu mối nhập khẩu mới, tuyển chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu vào EU để kết nối nhiều hơn nữa các đơn hàng xuất khẩu nông sản nói chung và trái vải nói riêng của Việt Nam vào thị trường này, khai thác tối đa các lợi thế từ Hiệp định EVFTA mang lại đối với nhóm ngành nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể nói trường hợp trái vải thiều đến nay vẫn được coi như một ngoại lệ vì Việt Nam vốn có nhiều loại trái cây ngon có tiếng xưa nay như sầu riêng, thanh long, chôm chôm, nhãn, măng cụt, xoài…, nhưng phần lớn đều chưa xây dựng được thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, cũng như chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, số lượng trái cây Việt được một số thị trường khó tính chấp nhận bán rộng rãi trong các hệ thống siêu thị có thể nói là “đếm trên đầu ngón tay”.
Vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: Hoàng Anh. |
Để hiểu rõ hơn về việc xây dựng thương hiệu cho quả vải Lục Ngạn, phóng viên Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang.
- Việt Nam có rất nhiều loại nông sản chinh phục thành công người tiêu dùng, song việc chưa xây dựng được thương hiệu đã khiến không ít sản phẩm thường xuyên đối mặt nỗi lo “được mùa mất giá”. Để khắc phục tình trạng này giúp bà con nông dân, Sở Công Thương đã có những giải pháp gì?
- Ông Nguyễn Văn Phương: Việc xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu thường xuyên được quan tâm, chú trọng. Điển hình như trái vải thiều đến nay đã được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia và trái vải là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Qua đó, trái vải được tiêu thụ thuận lợi tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường với trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang. |
Về bài toán giải quyết vấn đề “được mùa mất giá”, Sở Công Thương luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, các huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh; tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương; các cơ quan kinh tế, thương mại, ngoại giao của Việt Nam tại các nước.
Đồng thời, thường xuyên đổi mới công tác xúc tiến thương mại, làm tốt công tác dự báo thị trường; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại…
Thu hoạch vải thiều xuất khẩu tại xã Tân Sơn (Lục Ngạn). Ảnh: Hoàng Anh. |
- Nhằm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều, ngoài thị trường truyền thống, quả vải đang hướng vào các thị trường cao cấp, khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)..., trong thời gian qua, người nông dân đã được hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Phương: Trong thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam tại các nước và của các nước tại Việt Nam để tổ chức, kết nối với các hiệp hội doanh nhân kiều bào của Việt Nam ở nước ngoài; các doanh nghiêp, kênh phân phối của các nước.
|
Đồng thời, xây dựng các bộ tài liệu chuyên ngành về từng sản phẩm bằng các ngôn ngữ quốc tế, dưới dạng Video, Profie… và được số hóa, mã hóa QR gắn với thông tin liên hệ đơn vị cung ứng sản phẩm nông sản của tỉnh để thông qua các cơ quan ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam tại các thị trường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu với các nhà nhập khẩu tại các nước có nhu cầu trao đổi, đàm phán trực tiếp với các doanh nghiệp, thương nhân trong tỉnh.
Tổ chức kết nối hợp tác cho các doanh nghiệp, thương nhân của các nước với doanh nghiệp của tỉnh thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại cả truyền thống và trực tuyến với từng thị trường theo phương thức song phương hoặc đa phương.
Qua đó, ngay từ đầu vụ, Sở Công Thương đã sớm tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp và trực tuyến với Đại sứ quán các nước EU; tổ chức Hội nghị “Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến; phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ của Việt Nam tổ chức quảng bá, giới thiệu vải thiều tại sự kiện tuần lễ Việt Nam ở Tokyo Nhật Bản...
Ngay sau các hoạt động này, các doanh nghiệp của các nước đã về Việt Nam đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, tìm hiểu đàm phán và ký kết các hợp đồng tiêu thụ phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng giá trị thương hiệu nông sản, tăng sản lượng xuất khẩu và tiêu thụ thuận lợi tại thị trường nội địa.
Ảnh: Hoàng Anh. |
Năm nay, vải được mùa, mẫu mã đẹp, giá bình quân 23.000đ/kg. Ảnh: Hoàng Anh. |
Vải xuất được rửa sạch sẽ, ngắt cuống và các quả phải đều nhau, sau khi được đóng gói cẩn thận sẽ được vận chuyển lên các cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn. Ảnh: Hoàng Anh. |
Đến thời điểm hiện tại tiêu thụ trên 196.000 tấn (xuất khẩu 76.500 tấn, trong nước 119.500), giá bình quân 22.300 đồng/kg.
- Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bắc Giang đã có những định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích nào để hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường?
- Ông Nguyễn Văn Phương: Quan tâm hướng dẫn thực hiện quy trình chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; thường xuyên thông tin về hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản sang các nước trên thế giới; chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý chất lượng tốt nhất và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng đảm bảo các điều kiện tiêu thụ tại các hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu; hướng dẫn triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi…; tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối giao thương và kết nối giữa vùng sản xuất với doanh nghiệp, thương nhân và các hệ thống phân phối, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà truyền thông; đồng thời, xác định rõ và xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, công tác quy hoạch hợp lý, đồng bộ.
- Xin cám ơn ông!