Xây dựng văn hóa học đường để phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chuyển đổi số không còn là hiện tượng mới mà đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có giáo dục. Do vậy, việc xây dựng các kế hoạch, chương trình, giải pháp… nhằm tuyên truyền, giáo dục các hành vi ứng xử văn minh trên môi trường mạng là hết sức cần thiết. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tác động của chuyển đổi số đến văn hóa học đường

Theo giảng viên Lê Hồ Minh Giang,Trường Cao đẳng Giao thông vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh: Chuyển đổi số đã đồng hành cùng ngành giáo dục trong nhiều năm qua, bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực, đặc biệt là khi dịch bệnh bùng phát, gây cản trở sự phát triển của rất nhiều lĩnh vực thì chuyển đổi số càng phát huy vai trò quan trọng, giúp cho quá trình giáo dục không bị gián đoạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một số vấn đề về văn hóa ứng xử bắt đầu nảy sinh, nhiều thông tin tiêu cực về hành vi, thái độ, lời nói của người dạy và người học trong các giờ online. Giáo viên và sinh viên đều có những lúng túng bước đầu trong việc xử lý các tình huống, cũng như có cách hành xử còn mang tính chủ quan, nóng vội.

Thạc sỹ Lê Thị Phương, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, công nghệ ra đời, nhiều giáo viên phải đối mặt với khả năng thay đổi phương pháp giảng dạy bằng các ứng dụng, các nền tảng, mạng xã hội khác nhau. Chính vì vậy, các thách thức mà giảng viên phải đối mặt là vô cùng lớn nếu họ chưa có tâm lý sẵn sàng, đặc biệt chưa được hướng dẫn điều chỉnh các hành vi trước những thách thức trên sao cho phù hợp với văn hóa của nhà trường, văn hoá học đường.

Đề cập đến khía cạnh sử dụng mạng xã hội của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên và học sinh, thạc sỹ Đào Ngọc Quỳnh Thanh, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng Nghiệp vụ và Ngoại ngữ, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong môi trường học đường, việc sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh đặc biệt có ý nghĩa. Đó không chỉ là việc sử dụng internet, mạng xã hội để khai thác thông tin, nâng cao trình độ tri thức, mà còn phản ánh nhân cách, lối sống, chuẩn mực đạo đức của chính những đối tượng này.

Hiện nay, trên thế giới có hàng trăm mạng xã hội khác nhau như Facebook, Youtube, WhatApp, Skype, Qzone, WeChat, Instagram, Twitter …, mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sự phát triển của xã hội. Chúng giúp người dùng tìm kiếm thông tin, thể hiện bản thân và trải nghiệm cuộc sống; tương tác, gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, truyền tải cảm hứng… góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy đổi mới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó không thể thiếu lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Tuy nhiên, theo thạc sỹ Đào Ngọc Quỳnh Thanh, bên cạnh những giá trị tích cực hiện hữu vốn có đối với giáo dục - đào tạo nói chung và học sinh, sinh viên, giáo viên nói riêng thì mạng xã hội cũng trở thành “con dao hai lưỡi” khi thời gian thanh, thiếu niên dành cho mạng xã hội ngày càng tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, mất tập trung trong học tập và hình thành lối sống ảo. Đặc biệt, với đặc tính là thế giới ảo với tính năng ẩn danh, không ít người dùng đã có những hành vi ứng xử chưa văn minh khi lợi dụng các diễn đàn công khai để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận thông tin thiếu chọn lọc, mất định hướng có thể dẫn đến việc học sinh, sinh viên vô tình hay cố ý phát tán những thông tin xấu, độc, gây hoang mang dư luận xã hội.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng được môi trường văn hóa học đường chuẩn mực nhằm hạn chế những tác động tiêu cực trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Xây dựng bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực

Đề xuất các giải pháp để xây dựng văn hóa học đường trước những ảnh hưởng nhiều chiều của xã hội hiện đại, của internet và mạng xã hội, đa số ý kiến của các chuyên gia đều đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học.

Theo thạc sỹ Lê Thị Phương, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi chủ thể trong các quan hệ ứng xử. Đồng thời, bộ quy tắc cần phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong giáo dục văn hóa học đường cho học sinh, sinh viên. Các đơn vị xây dựng bầu không khí nhà trường và hành vi ứng xử tích cực, đó là thiết lập môi trường ủng hộ, khuyến khích để người dạy và người học thấy được giá trị và hoàn thành tốt nhiệm vụ, ứng dụng các phương pháp dạy học khuyến khích học sáng tạo và gắn liền thực tiễn. Có thể nghiên cứu, học tập các mô hình văn hoá học đường tiên tiến trên cơ sở điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh nhà trường Việt Nam, đồng thời bảo tồn các giá trị truyền thống.

Đồng quan điểm trên, giảng viên Lê Hồ Minh Giang,Trường Cao đẳng Giao thông vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử là quan trọng nhất vì đó là bộ công cụ chuẩn mực để mỗi cá nhân của nhà trường có thể tham chiếu, làm chuẩn mực để rèn luyện, đồng thời cũng là một công cụ quản lý hữu hiệu. Từ đó, nhà trường có thể sử dụng làm căn cứ xây dựng các chế tài giúp việc quản lý trở nên minh bạch và rõ ràng hơn nhằm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Thạc sỹ Đào Ngọc Quỳnh Thanh,Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng Nghiệp vụ và Ngoại ngữ, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc xây dựng bộ quy tắc này không chỉ có tác dụng phòng ngừa, mà còn tạo hàng lang pháp lý để có thể xử lý, ban hành các quyết định xử phạt hợp lý, hợp tình đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể.

Liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, Thạc sỹ Đào Ngọc Quỳnh Thanh bày tỏ: Mỗi học sinh, sinh viên cần xem mạng xã hội là tấm gương phản chiếu con người của mình thông qua những hành vi, lời nói và hội, nhóm mà mình tham gia. Việc cư xử đúng mực sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những mâu thuẫn không đáng có, giữ cho bản thân và người khác không bị tổn thương. Bên cạnh việc trang bị kiến thức xã hội và kỹ năng sống để tránh xa các nội dung “giật tít” nhằm mục đích câu view, mỗi học sinh, sinh viên cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đăng bất cứ thứ gì để tránh việc mất quyền kiểm soát thông tin mình đã đăng.

Đối với phụ huynh,cần có “cơ chế” để kiểm soát việc sử dụng internet, mạng xã hộicủa con như: xác định thời gian và đặt ra “quy chuẩn” sử dụng cụ thể; kết bạn Facebook, Zalo… với con để dễ dàng nắm bắt diễn biến tâm lý hay những hành động bất thường của con trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình, xã hội; thường xuyên tiếp cận, nhắc nhở, thậm chí cảnh báo để con em mình chủ động trong việc sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh.

Đối với cơ sở giáo dục, Thạc sỹ Đào Ngọc Quỳnh Thanh nhấn mạnh: Mỗi thầy cô giáo là một tuyên truyền viên tích cực để giúp học sinh và phụ huynh tránh khỏi các tác động tiêu cực của nội dung thông tin, ứng dụng có hại trên internet. Việc lồng ghép nội dung và đổi mới giảng dạy theo hướng văn hóa ứng dụng với các tình huống cụ thể và cách thức giải quyết vấn đề được đưa ra sẽ giúp học sinh có nhận thức đúng khi đưa những thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội mà không ảnh hưởng đến người xung quanh và đảm bảo an toàn cho bản thân.

Trước sự bùng nổ của công nghệ, nhà trường cũng cần cởi mở và thích nghi với việc sử dụng mạng xã hội của học sinh và giáo viên. Tuy không quá khắt khe nhưng cũng cần có biện pháp giám sát, kiểm tra bằng những quy định mang tính nhắc nhở, răn đe; kết nối và hỗ trợ để định hướng, khuyến khích học sinh, sinh viên sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin lành mạnh, bổ ích.

Đối với các cơ quan quản lý, cần tăng cường công tác tuyên truyền Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức sử dụng mạng an toàn cho đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, cần tính toán, có kế hoạch cụ thể để đưa nội dung giáo dục an ninh mạng, an toàn thông tin cả về lý luận lẫn kỹ năng nhận diện thông tin giả mạo, thủ đoạn lừa đảo, kỹ năng ứng phó với các tình huống xảy ra trên mạng xã hội vào chương trình giảng dạy phù hợp với từng đối tượng người học, trong từng môn học cụ thể. Mỗi học sinh, mỗi người dùng mạng xã hội khi được trang bị nhận thức đúng, nền kiến thức căn bản tốt sẽ không còn phải bận tâm về tác động tiêu cực của mạng xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.