Không chỉ xe của Thủ tướng, người biểu tình còn ném cà chua và bao vây khuôn viên trung tâm phát triển vaccine của Đại học Queensland, buộc lực lượng an ninh phải hộ tống ông Morrison khỏi hiện trường.
Những người biểu tình từ nhóm cộng đồng Đoàn kết tị nạn Meanjin cho biết họ muốn phản đối việc giam giữ những người tị nạn và những người xin tị nạn trong các trại tạm giữ trên lãnh thổ Australia.
"Chúng tôi ở đây để phản đối việc giam giữ vô thời hạn những người chỉ đang tìm một nơi an toàn để sống", phát ngôn viên của Tổ chức Đoàn kết tị nạn Meanjin nói. "Chúng tôi đã theo dõi Thủ tướng, chúng tôi đợi cho đến khi ông ấy vào tòa nhà và sau đó bao vây nơi này, chúng tôi đã ném máu lên xe ông ấy và ném cà chua và rau cải vào đầu Thủ tướng khi ông ta bỏ chạy qua cửa sau".
Người biểu tình ném máu giả và cà chua trước cửa khuôn viên trung tâm nghiên cứu Đại học Queensland nhằm phản đối Thủ tướng Scott Morrison. |
Giáo sư Deborah Terry, Phó hiệu trưởng Đại học Queensland, cho biết trường "tôn trọng quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình trong khuôn viên trường".
“Chúng tôi rất thất vọng trước sự phá hoại đã làm hỏng chuyến thăm của Thủ tướng tới phòng thí nghiệm của chúng tôi, nơi đang phát triển một loại vaccine COVID-19", bà Terry nói.
Thủ tướng Morrison ngay sau đó đã lên tiếng xác nhận vụ việc: “Tôi đã có mặt tại đó để thị sát và gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học và nhà nghiên cứu tuyệt vời của Queensland. Thật không may khi những gì họ đang làm lại không được tôn trọng theo cách đó".
Sau khi sự việc xảy ra, ông Scott Morrison đã được hộ tống an toàn ra khỏi hiện trường. |
Hiện chính quyền của ông Morrison đã bị chỉ trích vì các chính sách nhập cư và đối xử với người tị nạn và người xin tị nạn.
Điều kiện tại các trung tâm giam giữ trên các hòn đảo xa xôi Manus ở Papua New Guinea và Nauru ở Thái Bình Dương đã được Liên Hợp Quốc mô tả là "khắc nghiệt" và "thiếu thốn", trong khi Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi Nauru là "nhà tù lộ thiên".