Mặc dù ngành y tế và chính quyền TP đã hướng dẫn các chuyên khoa sản lớn không cung cấp dịch vụ liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi và thực hiện đúng quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc này rất khó thực hiện.
Trong thực tế, hầu như 100% các thai phụ đều xác định được giới tính của trẻ trước khi sinh. Ngay cả các cơ sở, phòng khám đa khoa nhỏ đến một số bệnh viện lớn, việc cung cấp dịch vụ siêu âm xác định giới tính không hề khó khăn.
Theo BSCK1 Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông giáo dục, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM, tuy quy định cấm nhưng các phòng khám vẫn có nhiều cách tinh vi để tiết lộ. Họ không ghi lên giấy tờ nên cũng không có bằng chứng gì để xử phạt.
Trao đổi vấn đề này, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng mất cân bằng giới tính đang là vấn đề khá lo ngại tại TP.HCM. Để kéo giảm hiệu quả tình trạng này, ngoài việc nghiêm cấm các cơ sở cung cấp dịch vụ xác định giới tính và phá thai lựa chọn giới tính thai nhi, TP cần đồng thời tổ chức các chuyên đề nâng cao nhận thức, giáo dục thay đổi hành vi về bình đẳng giới, đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên, vì sự tiến bộ của phụ nữ…
“Sắp tới Sở Y tế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này, nếu phát hiện và có bằng chứng xác minh các cơ sở y tế vẫn đang công khai xác định giới tính thai nhi và cho sản phụ biết trước, Thanh tra Sở sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết.
Sáng 16/12, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM đã tổ chức mít-tinh kỷ niệm 55 năm ngày Dân số Việt Nam (26/12). BS Trần Văn Trị, Chi cục trưởng, cho biết công tác dân số nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, mức sinh chưa có xu hướng một chiều ổn định, quá trình già hóa dân số diễn ra ngày càng nhanh. Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục lan rộng. Thực trạng di cư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu và phân bố dân cư của các vùng, địa phương.
Theo BS Trị, vấn đề cốt lõi hiện nay trong công tác dân số là phải chuyển trọng tâm chính sách dân số từ “KHHGĐ” sang “dân số và phát triển”.
Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã đến mức nghiêm trọng. Năm 2005, tỉ số giới tính khi sinh là 106 bé trai/100 bé gái. 10 năm sau (2015), con số đó là 112,8/100. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, tỉ lệ nam giới trong độ tuổi lập gia đình sẽ dư thừa 12% so với nữ giới vào năm 2049.
Theo Pháp Luật TP.HCM