Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 8/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 20,9 tỷ USD.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu ước đạt 155,4 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (tính cả dầu thô) tăng trưởng 13,4%, đạt 110,3 tỷ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của khối khu vực kinh tế trong nước đạt 45,11 tỷ USD, tăng 17,4%.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, hàng dệt may đạt 19,4 tỷ USD, tăng 14,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,4 tỷ USD, tăng 14,2%...
Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá như: Thủy sản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,4%; rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,8%; hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, tăng 2,5% (lượng tăng 8%); gạo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 23,6%...
Phân tích thêm, đại diện Vụ kế hoạch cho biết, yếu tố tích cực đưa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng trong 2 tháng vừa qua được nhận định là do xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện phục hồi trở lại sau khi đã giảm nhẹ trong tháng 6.
Số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã tăng 16,3% trong tháng 7/2018 và tiếp tục tăng 13,9% trong tháng 8/2018, ước đạt 4,4 tỷ USD.
Sau 8 tháng Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 27,7 tỷ USD, tăng 10,8%; Trung Quốc đạt 23,4 tỷ USD, tăng 25,2%; Thị trường ASEAN đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16%; Nhật Bản đạt 12 tỷ USD, tăng 9,4%; Hàn Quốc đạt 11,8 tỷ USD, tăng 27,9%...
"Từ thực tế trên cho thấy công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội," đại diện Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương thông tin thêm.
Còn theo đại diện Cục xuất nhập khẩu, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với với khối doanh nghiệp FDI, là một trong những điểm sáng đối với hoạt động xuất khẩu.
Sau 8 tháng, xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 45,1 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 13,4%,
Dự báo xuất khẩu vượt kế hoạch cả năm
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8/2018 đạt 21 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 14,8% so với tháng 8/2017.
Lũy kế 8 tháng năm 2018, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 152,66 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 61,85 tỷ USD, tăng 11,8% còn nhập khẩu của khối FDI đạt 90,8 tỷ USD, tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2017.
Thống kê cho thấy, trong tháng 8/2018, Việt Nam tiếp tục nhập siêu tháng thứ 2 liên tiếp với kim ngạch đạt 100 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2018, Việt Nam vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu với kim ngạch ước đạt 2,75 tỷ USD.
Theo đó, thặng dư của Việt Nam chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI khi khối này xuất siêu gần 19,5 tỷ USD, ngược lại, khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu khá lớn với kim ngạch đạt 16,74 tỷ USD.
Bộ Công Thương cũng cho biết, với sự tăng trưởng tích cực trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 8 tháng đầu năm 2018 đã hoàn thành 65,7% so với kế hoạch đưa kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2017, lên mức 236,63 tỷ USD.
"Dự kiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có khả năng hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra trong năm nay bởi hoạt động sản xuất trong nước vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng khả quan nhờ sự gia tăng của những đơn đặt hàng mới," đại diện Bộ Công Thương nói.
Đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Tất Thắng cũng nhìn nhận nhiều dấu hiệu hết sức nổi bật. Cụ thể là mức tăng trưởng xuất khẩu nhiều năm gần đây liên tục cao hơn so với tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo chuyên gia này, mục tiêu tăng trưởng 10% về xuất khẩu trong năm 2018 sẽ hoàn toàn đạt được nhờ sự đóng góp tích cực của nhiều mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao như Điện thoại, máy tính điện tử, rau quả... và quan trọng hơn là sự chuyển mình của lĩnh vực nông nghiệp khi đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.
Xuất siêu 2,8 tỷ USD, doanh nghiệp nội tăng trưởng cao hơn khối FDI
Mặc dù nhập siêu đã quay trở lại trong tháng Bảy và tháng Tám, nhưng tính chung sau 8 tháng, thặng dự thương mại của cả nước tiếp tục được giữ vững với mức xuất siêu gần 2,8 tỷ USD
Theo Vietnamplus