Năm ngoái, dự án “Tôi chèo về quê hương” với các bạn trẻ tìm hiểu, học hát và diễn chèo tại Nhà hát chèo Việt Nam đã gây chú ý trong dư luận. Có thể từ ý tưởng, thành công bước đầu này, hoặc cũng có mô hình tương tự, chương trình “Về nguồn- Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể xuân Ất Mùi” sẽ diễn ra từ ngày 7-3 đến 10-5.
Theo đó, chương trình sẽ tạo điều kiện cho các nhóm học sinh, sinh viên đăng ký được tham gia các hoạt động khác nhau. Đó là tổ chức lễ hội Đền voi phục, lễ hội phủ Tây Hồ; đến với CLB Ca trù Thăng Long tại đền Quan Đế 28 Hàng Buồm, Nhà hát múa rối Thăng Long, Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tại đình Hào Nam, chợ Đồng Xuân và Nhà hát chèo Hà Nội tại 15 Nguyễn Đình Chiểu; tiếp xúc nghề làm nón ở làng Chuông, xã Phương Chung, Thanh Oai; tìm hiểu nghề nặn tò he ở xã Xuân La, Phú Xuyên.
Các bạn trẻ sẽ được tìm hiểu về nghề thủ công, nghệ thuật truyền thống, cùng nghệ nhân chuẩn bị nguyên vật liệu, cùng nghệ sĩ chuẩn bị chương trình biểu diễn phục vụ khán giả, học một số làn điệu, bài bản cổ nhạc và vai diễn, đồng thời tham gia khảo sát ý kiến của khán giả, tìm hiểu khó khăn của làng nghề, vai trò của lễ hội, di tích trong đời sống tâm linh… Nhiều nghệ sĩ tham gia chương trình với vai trò giới thiệu, hướng dẫn như nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, đào nương Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm CLB ca trù Thăng Long, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành - Chủ nhiệm CLB tò he Xuân La… đều đánh giá cao ý nghĩa của chương trình và thể hiện sự sẵn sàng đồng hành với các bạn trẻ.
Thợ nặn tò he thôn Xuân La, xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội. |
Tuy nhiên, theo đề cương chương lịch trình trải nghiệm thì mỗi nhóm duy nhất sẽ chỉ được trải nghiệm tại một địa chỉ nghề hoặc nghệ thuật trong phạm vi một ngày. Trong khi chương trình dự kiến trung tuần tháng 5 tổ chức tổng kết, giao lưu học hỏi và có cả liên hoan để các nhóm có cơ hội thể hiện những gì mình đã học được. Với một ngày tiếp xúc, tìm hiểu, học hỏi thì công tác tổ chức lễ hội, công đoạn làm nón, nặn tò he và một số kỹ thuật sản xuất là có thể lĩnh hội được. Nhưng để hát được bài chèo, bài xẩm, chơi được nhạc cụ, biểu diễn được trích đoạn chèo… thì một ngày gần như là… không tưởng!
Cứ mỗi năm, vào dịp Tết đến xuân về, việc tổ chức các hoạt động như trên trở thành quen thuộc. Đấy là cách thức rất tốt đưa âm nhạc, văn hóa dân gian về với đông đảo công chúng và bồi đắp truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, thái quá có khi bất cập, nhất là khi không tìm được hình thức đơn giản và phù hợp thì một ngày chứ nhiều ngày, việc giáo dục văn hóa nguồn cội quá nhanh chóng có thể chỉ là vô bổ.
Xin thí dụ: Biết rằng không thể đòi hỏi các học sinh, sinh viên làm được như nghệ sĩ chuyên nghiệp, kể cả như diễn viên quần chúng, nhưng cũng vì thế mà không nên đặt ra mục tiêu có giao lưu, liên hoan biểu diễn. Sự nhiệt tình và ý nghĩa của chương trình, do đó, nên dừng ở việc giúp các bạn trẻ tiếp cận, học hỏi sơ bộ, thông qua đó mà yêu hơn, tự hào hơn về di sản dân tộc, như vậy đã là rất quý! Còn với nghệ thuật diễn xướng truyền thống, có thể rất yêu, nhưng không nên dễ dãi.
Nguồn cội văn hóa phải bồi đắp lâu dài. Nếu các nhà tổ chức biết chọn lựa và tìm hiểu sâu từng loại hình nghệ thuật. Chắc sẽ hiệu quả hơn nếu ôm đồm quá nhiều cho một mùa sau Tết, mà lại chỉ trong một ngày, như thế này.
>>> Xem thêm
Gốm Việt đương đại: Tôn vinh tinh hoa nghề Gốm đồng bằng Bắc Bộ
NXB Thanh Niên liều lĩnh câu khách bằng linh vật ngoại lai
Rừng lớn lại vang tiếng cồng chiêng…
Hợp tác cùng Thời nay