Theo nghiên cứu mới vừa được công bố tại Hội nghị đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, Trái đất có thể mất hơn 1/10 các loài sinh vật vào cuối thế kỷ 21. Khoảng 3.000 nhà khoa học đã đồng loạt kêu gọi các chính phủ hành động để đảo ngược xu hướng đáng lo ngại trên.
Được biết, các nhà nghiên cứu đã xây dựng một mô hình mô phỏng Trái đất nhân tạo trên siêu máy tính và mô hình hóa tác động của sự nóng lên toàn cầu cùng với sử dụng tài nguyên đất của con người đối với hệ sinh vật.
“Chúng tôi đã tạo ra một thế giới ảo và lập bản đồ về số phận của hàng nghìn loài trên toàn cầu để xác định khả năng xảy ra các điểm bùng phát tuyệt chủng trong thế giới thực”, Tiến sĩ Giovanni Strona tại Đại học Helsinki cho biết.
Như mô phỏng cho thấy, trong trường hợp xấu nhất, 27% các loài sẽ biến mất. Trong kịch bản trung bình, khoảng 13% động vật và thực vật sẽ tuyệt chủng.
Nhóm nhà khoa học đã chỉ ra rằng nghiên cứu này là duy nhất vì nó tính đến các tác động thứ cấp đối với đa dạng sinh học, khi sự tuyệt chủng của một loài dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khác.
“Hãy nghĩ về một loài săn mồi bị mất con mồi vì biến đổi khí hậu. Việc mất đi con mồi là một sự tuyệt chủng sơ cấp. Nhưng không có gì để ăn, kẻ săn mồi của nó cũng sẽ bị tuyệt chủng. Quá trình này gọi là đồng tuyệt chủng. Mọi loài đều phụ thuộc vào loài khác theo một cách nào đó”, Giáo sư Corey Bradshaw tại Đại học Flinders giải thích.
Khoảng 3.000 nhà khoa học đã ký một bức thư ngỏ gửi tới các chính phủ kêu gọi giải quyết tình trạng tiêu thụ quá mức tài nguyên Trái đất. Tài liệu này đặc biệt nhắm vào tình trạng tiêu thụ quá mức của các quốc gia giàu có đã tác động đến thiên nhiên của các nước đang phát triển. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm hàng đầu về biến đổi khí hậu.