10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2021 do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn.
10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2021

1. Kinh tế thế giới phục hồi nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Năm 2021, kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi suy thoái, phục hồi nhanh chóng khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và triển khai các gói kích thích tăng trưởng hậu COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm 2021 sẽ tăng khoảng 6% - mức tăng trưởng nhanh nhất trong 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát tăng cao kéo dài và sự xuất hiện của biến thể COVID-19 mang tên Omicron có thể cản trở đà phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2021 ảnh 1
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất ô tô ở thành phố Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

2. Chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào khủng hoảng

Dịch COVID-19 lây lan nhanh tại các nhà máy đã làm thiếu hụt lao động, gián đoạn sản xuất, gây ra tình trạng mất cân bằng cung cầu hàng hóa. Tình trạng thiếu tàu và container tại các cảng biển quan trọng trên thế giới khiến hoạt động vận tải đường biển bị tắc nghẽn. Chi phí vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu có thời điểm tăng khoảng 10 lần và từ Trung Quốc đến bờ Tây nước Mỹ tăng 2,85 lần. Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển địa điểm sản xuất về gần nơi tiêu thụ và tối ưu hóa chuỗi cung ứng hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ trong phân phối.

3. Cam kết dần xóa bỏ điện than

10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2021 ảnh 2
Đại biểu dự Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 2/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Vương quốc Anh từ 31/10-13/11, hơn 40 nước (trong đó có Việt Nam) và các tổ chức đã cam kết dần loại than khỏi sản xuất điện và ngừng hỗ trợ xây nhà máy điện than mới. Nhằm đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu, các nền kinh tế lớn sẽ loại bỏ điện than trong thập niên 2030 và những nước khác sẽ thực hiện mục tiêu này trong thập niên 2040. Các bên cũng cam kết tăng mức hỗ trợ tài chính cho nhóm nước nghèo và đang phát triển để đối phó với biến đổi khí hậu.

4. Đạt thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu

Ngày 13/10, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tán thành một thỏa thuận toàn cầu nhằm cải thiện hệ thống thuế doanh nghiệp, trên cơ sở thỏa thuận lịch sử mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được trước đó. Kể từ năm 2023, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng đối với các công ty có thu nhập từ 870 triệu USD trở lên. Ước tính, mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm vào nguồn thu thuế. Việc triển khai thỏa thuận này giúp ngăn chặn tình trạng các công ty đa quốc gia chuyển đăng ký thuế sang những nước có mức thuế thấp hơn nhằm giảm số tiền thuế phải đóng.

5. Các ngân hàng trung ương bắt đầu rút dần chính sách tiền tệ siêu lỏng

Các ngân hàng trung ương (NHTW) hàng đầu thế giới bắt đầu rút dần chính sách tiền tệ siêu lỏng chưa từng có và lãi suất gần bằng 0 sau khoảng 2 năm áp dụng để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Nhằm ngăn chặn lạm phát leo thang, ngày 16/12, Ngân hàng trung ương Anh là NHTW lớn đầu tiên tăng lãi suất, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng công bố lộ trình nâng lãi suất trong năm 2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thận trọng giữ nguyên lãi suất, nhưng phát tín hiệu sẽ ngừng các chương trình mua trái phiếu từ tháng 3/2022. Các cách tiếp cận khác nhau này cho thấy các NHTW đang tìm cách cân bằng giữa mối nguy lạm phát và rủi ro mới đối với tăng trưởng kinh tế do biến thể Omicron.

6. Năm sôi động của hoạt động M&A

Năm 2021, giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu đã "xô đổ" các kỷ lục từ trước đến nay và dễ dàng vượt qua mức đỉnh được thiết lập gần 15 năm trước. Theo số liệu của nền tảng dịch vụ tài chính Dealogic (Vương quốc Anh), tính đến ngày 16/12, giá trị M&A toàn cầu đã đạt 5.630 tỷ USD, bỏ xa mức kỷ lục 4.420 tỷ USD ghi nhận năm 2007, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Trong đó, Mỹ dẫn đầu tổng giá trị M&A toàn cầu, tiếp theo là khu vực châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.

7. Trung Quốc tăng cường chấn chỉnh nền kinh tế

Năm 2021, Trung Quốc ban hành nhiều quy định mới nhằm thắt chặt quản lý trong các lĩnh vực, từ công nghệ, bất động sản đến giáo dục, trò chơi điện tử... Những quy định này khiến các công ty tư nhân tại Trung Quốc đối mặt với áp lực lớn hơn. Nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande đứng trước nguy cơ phá sản sau khi Chính phủ ban hành các quy định hạn chế cho vay bất động sản mới để kiểm soát tình trạng giá nhà tăng vọt và vay nợ quá mức. Các dự luật kiểm soát chặt chẽ hơn về công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc cũng khiến các tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ như Alibaba, ByteDance, Weibo hay Tencent cũng gặp khó khăn trong hoạt động.

8. Đồng bitcoin tăng giá kỷ lục

Năm 2021, giá đồng bitcoin tăng cao chưa từng có, lên mức 69.044 USD vào phiên 10/11 và được dự báo sẽ sớm “chạm” ngưỡng 100.000 USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quan ngại về sự phát triển nhanh của tiền kỹ thuật số khi chưa có các quy định quản lý phù hợp. Bitcoin tăng giá mạnh đã buộc các nước siết chặt kiểm soát đồng tiền này, đồng thời một số nước đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm phương án số hóa đồng tiền truyền thống. El Salvador là nước đầu tiên trên thế giới công nhận bitcoin là đồng tiền hợp pháp trong giao dịch.

9. Siêu tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez khiến giao thương toàn cầu tắc nghẽn

Ngày 23/3, siêu tàu container Ever Given mắc cạn ở phía Nam Kênh đào Suez đã làm đình trệ nghiêm trọng giao thương Á-Âu và gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD/ngày. Tuyến vận tải được đưa vào hoạt động từ năm 1869 này là nơi lưu chuyển khoảng 10% khối lượng thương mại hàng hóa, 10% khối lượng dầu và 8% khối lượng khí LNG toàn thế giới. Sự cố tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào nhộn nhịp bậc nhất thế giới này đã bộc lộ điểm yếu của ngành vận tải biển và sự phụ thuộc lớn của giao thương toàn cầu vào Kênh đào Suez. Vụ việc đã cho thấy sự cấp thiết phải đa dạng hóa các tuyến đường vận chuyển hàng hải quốc tế.

10. Thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng

Năm 2021, khủng hoảng nguồn cung năng lượng diễn ra khắp các châu lục. So với đầu năm, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng trên 800%, giá than tăng tới 110% và giá dầu thô lên mức trên 80 USD/thùng - cao nhất kể từ năm 2014. Thị trường năng lượng bước vào chu kỳ tăng giá mới do nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại. Mặt khác, nguồn cung than đá và khí đốt lại thiếu hụt trầm trọng do năng lực khai thác, dự trữ không đủ đáp ứng nhu cầu và đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch bị hạn chế khi các nước đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh. Giá năng lượng leo thang đã đẩy lạm phát tăng cao, làm gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hóa, đe dọa đà phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn, khủng hoảng năng lượng có thể thúc đẩy các quốc gia đầu tư phát triển các nguồn năng lượng bền vững hơn.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).