11 nước tính toán mở rộng TPP sau cuộc họp tại Hà Nội

(Ngày Nay) - Bộ trưởng thương mại các nước đồng thuận khả năng tiếp tục triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, trong khi phía Mỹ vẫn quyết "nói không" với TPP. 
Đại diện Thương mại Mỹ (giữa) trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (bên trái) tại họp báo về kết quả Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC (MRT 23) chiều 21/5.
Đại diện Thương mại Mỹ (giữa) trao đổi với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (bên trái) tại họp báo về kết quả Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC (MRT 23) chiều 21/5.

Chia sẻ tại họp báo trưa 21/5 về kết quả cuộc họp các Bộ trưởng TPP 11 (TPP không có sự tham gia của Mỹ) vừa diễn ra, Bộ trưởng Thương mại New Zealand - Todd McClay cho biết, các nước đồng thuận cao sẽ tiếp tục triển khai TPP để đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. "Vài tháng tới, chúng tôi sẽ có những hành động cụ thể để hiện thức hoá những lợi ích mà TPP đem lại", ông Todd McClay nói.

Cuộc họp TPP 11 lần này tại Hà Nội cũng thống nhất về khả năng mở rộng hiệp định cho các nước, nền kinh tế khác tham gia nếu họ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn cao của Hiệp định. Những nỗ lực này sẽ giải quyết các mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ, duy trì mở cửa thị trường, cũng như thúc đẩy thương mại toàn cầu.

Tuy vẫn được TPP 11 để ngỏ cơ hội tham gia trở lại vào Hiệp định này, song Đại diện thương mại Mỹ - Robert Lighthizer khẳng định, chính quyền Washington sẽ không thay đổi quan điểm và quyết định của mình với TPP.

"TPP không đáp ứng cho lợi ích của Mỹ, nhưng không có nghĩa chúng tôi quay lưng lại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không tham gia vào khu vực này", ông Robert Lighthizer nói.

Là quốc gia xuất - nhập khẩu lớn nhất của khu vực, Mỹ khẳng định vẫn tiếp tục hợp tác với các thành viên của khu vực ở kênh song phương, bởi sẽ mang nhiều lợi ích hơn cho nước này. "Đó cũng là lý do tôi có mặt ở đây để chia sẻ về chính sách thương mại của Mỹ", ông Robert bày tỏ sau khi tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT 23) diễn ra 2 ngày qua.

Theo ông, APEC đã giúp tạo ra sự đồng thuận về thương mại quốc tế, công bằng và cũng là mục tiêu mà Mỹ muốn thúc đẩy. "Tôi ở đây để khẳng định sự tham gia của Mỹ với khu vực. Đây là điều quan trọng với tương lai chúng ta", vị này tiếp lời.

Trả lời câu hỏi về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ sau những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về chính sách thương mại, ông Robert cho rằng, việc nước này triển khai những biện pháp để bảo vệ cho lợi ích của quốc gia trước những hình thức thương mại bất công "bị đánh đồng với chủ nghĩa bảo hộ thì quả là đáng tiếc". 

"Chúng tôi muốn có thương mại tự do, công bằng và đảm bảo thị trường hiệu quả hơn trên thế giới. Đó không chỉ là mục đích của Mỹ mà còn của cả APEC, WTO", ông nói.

Nói thêm về kết quả TPP 11, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam - Trần Tuấn Anh thông tin, từ nay đến hội nghị cấp cao APEC được tổ thức vào tháng 11/2017, các hội nghị kỹ thuật, hội nghị của các trưởng đoàn đàm phán TPP sẽ tiếp tục triển khai. Đây là tiến trình mà các nước TPP 11 cùng lắng nghe chia sẻ các sáng kiến, đề xuất cụ thể cho hướng đi của hiệp định, trong đó bao gồm lộ trình cụ thể cho việc phê chuẩn cũng như đưa TPP vào hiệu lực.

Hy vọng khởi động lại TPP đang được làm nóng lại, đặc biệt sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật - Shinzo Abe và Thủ tướng New Zealand - Bill English hôm 17/5 tại Tokyo. Cả hai nước này hiện nhắm tới việc thực thi TPP mà không cần đàm phán lại quá nhiều. Ngoài ra còn có Australia, Singapore và Brunei cũng ủng hộ tái khởi động TPP 11.

Hồi cuối tháng 1/2017, ngay sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump đã ký lệnh rút Mỹ khỏi TPP, vốn đã kết thúc đàm phán dưới thời Tổng thống Obama. TPP trước đó được xem là hiệp định thương mại tự do lịch sử với sự tham gia của 12 nước: Mỹ, Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Động thái rút khỏi TPP của Mỹ đồng nghĩa với việc 11 nước còn lại phải đàm phán lại hoặc "khai tử" hiệp định, bởi theo thoả thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật).

Theo Vnexpress
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).