2 ngã rẽ cho ngành công nghiệp tình dục tại New York

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo New York Times, 2 dự luật mới về mại dâm tại New York đang tạo ra một "trận chiến nảy lửa về ý thức hệ", với nhiều bất đồng xoay quanh việc làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho người hành nghề mại dâm một cách hiệu quả nhất.
Gái mại dâm trên đường phố New York. (Ảnh: Getty Images)
Gái mại dâm trên đường phố New York. (Ảnh: Getty Images)

Candii trở thành gái mại dâm năm 13 tuổi, sau khi bị ép phải rời khỏi ngôi nhà của mình ở Tennessee. Để tồn tại, cô đã nói dối tuổi của mình để được ở chung với một nhóm phụ nữ chuyển giới - những người sau này đã trở thành "cố vấn tinh thần" của cô.

Hiện tại, Candii 27 tuổi, đã chuyển giới và đang cố tìm một việc làm tại New York. Dù làm bất cứ nghề nào, cô luôn phải chịu sự phân biệt đối xử và ngược đãi vì quá khứ của mình. Mỗi lần như vậy, Candii không còn lựa chọn nào khác là quay trở về làm gái mại dâm.

"Ngành công nghiệp tình dục đã cứu mạng tôi," Candii chia sẻ.

2 ngã rẽ cho ngành công nghiệp tình dục tại New York ảnh 1
"Ngành công nghiệp tình dục đã cứu mạng tôi," Candii chia sẻ. (Ảnh: New York Times)

Trường hợp của Shaquana Blount lại khác hoàn toàn. Cô bị cưỡng bức phải tham gia vào ngành công nghiệp tình dục bởi bạn trai, thực ra là một gã "ma cô". Khi chuyển sang làm vũ công tại một câu lạc bộ thoát y, những "người bảo trợ" đã liên tục phân biệt chủng tộc với Blount, chà đạp lên lòng tự trọng của cô, khiến nó gần như vỡ vụn.

"Những công việc đó đã huỷ hoại con người tôi," Blount nói.

2 ngã rẽ cho ngành công nghiệp tình dục tại New York ảnh 2

Sau khi thoát khỏi ngành công nghiệp tình dục, Blount giờ đây đang làm trong tổ chức Dịch vụ Giáo dục và Tư vấn cho Trẻ em gái (GEMS). (Ảnh: New York Times)

Theo luật pháp hiện hành của tiểu bang New York, những gái mại dâm như Candii và Blount bị coi là tội phạm. Hành nghề mại dâm có thể bị phạt hành chính 500 đô la cộng với 3 tháng tù.

Tuy nhiên, công chúng tại New York đang bắt đầu ủng hộ một quan điểm cũ: không nên hình sự hoá việc mua bán dâm. Gần đây, tiểu bang đã thông qua một số điều luật nhằm xoá tội cho những người là nạn nhân của nạn buôn người, và bị ép bán dâm như Blount. Trong năm qua, một số luật sư tại thành phố New York đã công bố kế hoạch ngừng truy tố những người hành nghề mại dâm và xóa bỏ hồ sơ của họ.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với sự thay đổi này.

Những dự luật mới về mại dâm

Tại Albany, thủ phủ của tiểu bang New York, 2 dự luật mới về nghề mại dâm đang tạo ra một "trận chiến ý thức hệ", tuy có cùng mục đích là khiến ngành công nghiệp tình dục trở nên an toàn hơn.

Dự luật đầu tiên là Đạo luật Ngừng bạo lực trong Mua bán tình dục, sẽ xóa bỏ hình phạt đối với những người hành nghề mại dâm tự nguyện, người mua dâm và cả những người trung gian như môi giới mại dâm... Mục tiêu chính của dự luật này là hợp pháp hoá ngành nghề này.

2 ngã rẽ cho ngành công nghiệp tình dục tại New York ảnh 3

Một phụ nữ hành nghề mại dâm biểu tình ủng hộ việc hợp pháp hoá mại dâm tại Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Dự luật còn lại: Đạo luật Công lý & Bình đẳng cho Người sống sót sau Mua bán tình dục, sẽ tập trung vào việc trừng phạt người mua dâm và môi giới mại dâm. Đạo luật này nhằm hạn chế sự bóc lột với người yếu thế và ngăn chặn thành phố New York trở thành "thánh địa" của du lịch tình dục.

Candii ủng hộ dự luật Ngừng bạo lực. Theo cô, hợp pháp hoá mại dâm sẽ giảm số vụ bắt giữ không cần thiết, cũng như sự kỳ thị với người lao động tình dục. Theo dự luật này, các cơ sở mại dâm truyền thống sẽ được hoạt động và đặt biển báo ở bất kỳ nơi nào cho phép kinh doanh hợp pháp. Điều này sẽ hạn chế những đợt truy quét và bắt giữ lớn, vốn có thể rất nguy hiểm. Trong những năm gần đây tại Mỹ, một số người bán dâm đã chết trong những đợt truy quét này.

Bên cạnh đó, phe ủng hộ dự luật Ngừng bạo lực cũng đang thúc giục chính quyền phân bổ lại ngân sách từ Sở Cảnh sát New York - nơi chuyên xử lý tội phạm tình dục, sang cho các dịch vụ hỗ trợ xã hội.

Dự luật còn lại tập trung vào việc ngăn chặn nạn buôn người. Được giới thiệu vào tháng 3, dự luật Công lý & Bình đẳng sẽ không xử phạt hành vi bán dâm, nhưng vẫn sẽ trừng phạt "người mua dâm, ma cô và chủ nhà thổ." Nhiều nhà hoạt động nữ quyền, nhà hoạt động xã hội và các nhóm chống buôn người ủng hộ dự luật này.

Dự luật Công lý & Bình đẳng sẽ phạt người vi phạm dựa trên thu nhập của họ. Sau đó, tiền phạt sẽ được chuyển đến quỹ dành cho người sống sót sau khi bị bóc lột tình dục. Theo những người ủng hộ dự luật, hình sự hoá việc mua dâm sẽ ngăn chặn lượng khách hàng tăng lên.

2 ngã rẽ cho ngành công nghiệp tình dục tại New York ảnh 4

Theo dự luật Công lý & Bình đẳng cho Người sống sót sau Mua bán tình dục, khách mua dâm và người môi giới bán dâm sẽ là 2 đối tượng bị coi là tội phạm. (Ảnh: Getty Images)

"Ở những nơi phụ nữ có nhiều cơ hội, họ sẽ không hành nghề mại dâm. Vì vậy, khách hàng phải tìm 'nguồn cung' từ những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, nơi người ta không có sự lựa chọn," Taina Bien-Aimé, Giám đốc điều hành của Liên minh Chống buôn bán phụ nữ, tổ chức ủng hộ dự luật Công lý & Bình đẳng, cho biết.

Bất đồng

Mặc dù cả 2 dự luật đều nhằm mục đích loại bỏ những hình phạt dành cho người lao động tình dục, 2 phe vẫn đang tranh cãi liệu có thể coi mại dâm là trao đổi đồng thuận, như bất kỳ hình thức lao động nào khác hay không.

Bà Rachel Lloyd, người sáng lập Dịch vụ Giáo dục và Tư vấn cho Trẻ em gái (GEMS), ủng hộ dự luật Công lý & Bình đẳng, nhận xét: "Sự khác biệt nằm ở chỗ, chúng tôi thấy ngành công nghiệp này vốn có tính chất bóc lột. Một phụ nữ không có giấy tờ tuỳ thân, hoặc lớn lên trong trung tâm nuôi dưỡng thay thế, không thể có mức độ đồng thuận tương đương với một khách mua dâm."

Những người ủng hộ dự luật Công lý & Bình đẳng lo lắng, việc thông qua dự luật Ngừng bạo lực sẽ biến New York trở thành Amsterdam hoặc Berlin, nơi mại dâm hoàn toàn hợp pháp, nhưng buôn người vẫn là một vấn nạn. Ngày 22/6/2019, bài báo có tựa đề "Trouble in Paradise: the rise and fall of Germany's 'brothel king'" (Bê bối ở Paradise: Sự trỗi dậy và sụp đổ của 'vua nhà thổ' nước Đức) đăng trên tờ The Guardian đã phanh phui những vụ buôn người trái phép xảy ra tại chuỗi nhà thổ Paradise, trải dài khắp nước Đức từ năm 2008 - 2014.

"Điều gì đảm bảo rằng những gì đã xảy ra ở Đức sẽ không lặp lại?", bà Lloyd đặt câu hỏi.

Phe ủng hộ dự luật Ngừng bạo lực lại cho rằng, dự luật còn lại đang xâm phạm cuộc sống của chính những người bán dâm. Cụ thể, dự luật Công lý & Bình đẳng sẽ có lợi nhiều hơn cho những người chưa bao giờ tham gia vào ngành công nghiệp không khói này.

"Họ biết quá ít về cuộc sống thực tế của người hành nghề mại dâm," Cecilia Gentili, lãnh đạo của phe ủng hộ hợp pháp hoá mại dâm phát biểu. Cô từng làm gái mại dâm, và cũng từng là nạn nhân của những kẻ buôn người.

Hiện tại, một số người ủng hộ dự luật Công lý & Bình đẳng đang thực hiện các chương trình cung cấp hỗ trợ về y tế, kinh tế và xã hội cho những người bán dâm vừa ra tù. Tuy nhiên, nhiều lao động tình dục cảm thấy những chương trình đó đang lấy của họ quá nhiều thời gian để kiếm tiền. Một số người còn chủ động rút khỏi chương trình, tiếp tục hành nghề mại dâm, để rồi lại bị bắt lần nữa. Bởi vậy, Candii và Gentili tin rằng hợp pháp hoá mại dâm là sát với thực tế hơn, giúp hoạt động này trở nên an toàn hơn.

2 ngã rẽ cho ngành công nghiệp tình dục tại New York ảnh 5

Cảnh sát New York đang bắt giữ một gái mại dâm đang hành nghề tại Brooklyn. (Ảnh: abc7NY)

Có thể sẽ mất nhiều năm để 1 trong 2 dự luật được thông qua, nếu như thị trưởng mới sắp được bầu tại New York không hứng thú với một cuộc đại tu. Eric Adams, cựu cảnh sát, ứng cử viên của đảng Dân chủ, luôn bác bỏ những lời kêu gọi hợp pháp hoá mại dâm dưới bất kỳ hình thức nào. Curtis Sliwa, ứng viên còn lại đến từ Đảng Cộng hòa, gần đây đã kêu gọi một "cuộc đàn áp toàn diện" đối với những gã "ma cô" và khách hàng.

Bên cạnh đó, dù vẫn tranh cãi, cả 2 phe đang nỗ lực hỗ trợ những lao động tình dục. Phía ủng hộ dự luật Công lý và Bình đẳng đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ xã hội. Phía bên kia, Gentili đã mở một chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người bán dâm tại Manhattan. Candii đang hỗ trợ thực phẩm và tiền thuê nhà cho người hành nghề mại dâm thông qua Black Trans Nation, một tổ chức phi lợi nhuận cô thành lập năm ngoái. Mức lương nhận được từ tổ chức hiện vẫn đủ để cô trả tiền nhà trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khi các nguồn tài trợ ngày một cạn kiệt, Candii lo sợ rằng cô sẽ phải quay về với nghề cũ một lần nữa.

"Tôi không muốn phải làm gái mại dâm nữa. Nhưng nếu hoàn cảnh bắt buộc, tôi không còn lựa chọn nào khác," Candii nói.

Theo New York Times, The Guardian
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.