Theo lộ trình được Bộ Giáo dục Đào tạo đề ra tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng như sau:
- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.
- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10
- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Có rất nhiều điểm thay đổi trong Chương trình giáo dục phổ thông mới liên quan đến nội dung các môn học. Tuy nhiên, nhìn chung có một số điểm thay đổi lớn như sau mà các bậc phụ huynh có con vào lớp 1 trong năm học tới cần biết:
- Giảm số lượng môn học:
Có 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc với học sinh lớp 1 bao gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm.
So với trước đây, số môn học đã được giảm tải (trước đây học sinh lớp 1 phải học đến 10 môn).
- Thống nhất học 2 buổi/ngày:
Nếu như trước đây, Chương trình giáo dục phổ thông cũ cho phép các trường tổ chức dạy học 02 buổi/ngày hoặc 01 buổi/ngày thì nay, Chương trình mới thống nhất thực hiện dạy học 02 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 07 tiết học; mỗi tiết học 35 phút.
Chỉ riêng những trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 02 buổi/ngày thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Chương trình học giảm lý thuyết, thiên về trải nghiệm:
Ngay từ lớp 1, học sinh sẽ được học về các hoạt động trải nghiệm, và đây được coi là một hoạt động giáo dục bắt buộc.
Cụ thể, học sinh được học một số việc tự chăm sóc bản thân; Sắp xếp nhà cửa gọn gàng; Làm quen với bạn mới; Thiết lập mối quan hệ với hàng xóm…