30 năm Liên Xô tan rã dưới góc nhìn nhóm đạo diễn phim tài liệu 'Mùa đông 1991'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - ​Nhóm đạo diễn PGS.TS. Bùi Chí Trung & Trần Vũ Anh thuộc đơn vị Media 21 history film sắp hoàn thành bộ phim tài liệu lịch sử dài tập mang tên "Mùa đông 1991" nói về sự kiện 30 năm Liên Xô tan rã - cơn địa chính trị chấn động thế kỷ XX (31-12-1991/31-12-2021). 
30 năm Liên Xô tan rã dưới góc nhìn nhóm đạo diễn phim tài liệu 'Mùa đông 1991'

Chúng ta đều thấy rằng, đã 30 năm kể từ ngày Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) tan rã, nhưng trên phạm vi toàn thế giới, các phương tiện truyền thông đại chúng, các mạng xã hội vẫn đề cập đến sự kiện này với một sự chú ý đáng kinh ngạc.

Tại sao vậy? Vì đây luôn là một cuộc tranh luận toàn cầu, là nơi chứng kiến sự va đập quyết liệt giữa các quan điểm lịch sử, quan điểm chính trị và cũng là nơi gieo rắc những mưu đồ to lớn.

Có lẽ, sẽ là khách quan hơn khi xem xét những biến động lớn ở Liên Xô qua những phản ứng của đối thủ lớn nhất của họ, tức Hoa Kỳ. Năm 2005, nhà ngoại giao George Frost Kennan trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 101. Thời báo New York (The New York Times) khi đó đã đăng một bài dài về ông với nhận xét Kennan là "nhà ngoại giao Mỹ đã thực hiện sứ mạng lớn hơn bất cứ nhà ngoại giao nào cùng thế hệ ông trong việc tạo dựng chính sách của nước Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh".

Trung tâm Nghiên cứu Wilson (Wilson Center) thậm chí còn xuất bản một cuốn sách tựa đề "Kennan trong thời đại của chúng ta: Nhìn lại nhà ngoại giao vĩ đạo nhất thế kỷ XX của Mỹ trong thế kỷ 21". Tại sao người Mỹ tôn kính ông như vậy? Tất cả xuất phát từ Bức điện dài (Long telegram)[3] mà Kennan đã soạn thảo khi còn là Đại biện lâm thời của Mỹ tại Moscow năm 1946. Trong đó đưa ra lời "cảnh tỉnh" rằng, Mỹ phải nhanh chóng thiết lập một chiến lược toàn diện nhằm ngăn chặn, kiềm chế và dần làm suy yếu Liên Xô, nếu không, chế độ ở Mỹ sẽ là phía bị tiêu diệt.

Năm 1950, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tiếp tục đệ trình lên Tổng thống Harry Truman bị vong lục 68 (NSC-68)[4] nổi tiếng, ở đó xác định "sự sống còn" của hệ thống Mỹ đang "gặp phải mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử", đó chính là mối đe dọa từ khối xã hội chủ nghĩa mà trung tâm là đất nước của Lenin. Rõ ràng, sau Thế chiến II, Liên Xô đã nổi lên như một trong hai siêu cường bên cạnh Mỹ, và thể hiện một tiềm lực vô hạn, hoàn toàn có thể tiến tới đánh bại những thể chế tư bản hùng mạnh nhất để mở ra một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới.

Nhưng sang đến những năm 60 của thế kỷ XX, chúng ta không còn bắt gặp những lời cảnh báo thống thiết như vậy nữa của giới chiến lược Washington. Bởi lúc này, Liên Xô đã không còn được hùng mạnh như trước nữa, thậm chí đã bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng. Nguyên nhân đến từ sự thay đổi lãnh đạo và đường hướng chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô, được đánh dấu bằng Đại hội XX tháng 2-1956.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã trình bày một báo cáo bí mật mang tên "Về sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó", trong đó quy chụp, thêu dệt rất nhiều vấn đề và hạn chế hệ thống Đảng và Nhà nước Xô viết cho lãnh tụ quá cố Joseph Stalin. Đồng thời, trong báo cáo chính trị chính thức của Đại hội cũng đề ra những sách lược mới nhằm "chung sống hòa bình", "thi đua hòa bình" và "quá độ hòa bình" với chủ nghĩa tư bản. Đây là một sự đảo ngược 180 độ trong quan điểm và chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô so với chính họ trước đây, hay còn gọi là "xét lại".

Các nhà phân tích cao cấp của CIA trong báo cáo mang mã hiệu SRS-1 thực hiện không lâu sau sự kiện Đại hội XX đã cho rằng, ekip của Nikita Khrushchev hành động như vậy là để đập bỏ hoàn toàn di sản của thời đại Stalin, nhằm xây dựng một hệ thống mới của riêng họ. Trong những kỳ Đại hội Đảng tiếp theo, ekip của Tổng Bí thư Khrushchev tiếp tục sa đà trên con đường xét lại, đến Đại hội XXII năm 1961, họ còn xác định "nguy cơ chủ nghĩa tư bản hồi phục ở Liên Xô đã không còn", "Liên Xô sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong 20 năm", xây dựng "đảng toàn dân", "nhà nước toàn dân".

Đây thực chất đều là những tính toán không có cơ sở và là sự đoạn tuyệt với học thuyết Marxist-Leninist chính thống về Đảng. Đó là một cuộc khủng hoảng đường lối chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Nikita Khrushchev buộc phải từ chức Tổng Bí thư vào năm 1964, nhưng sự hỗn loạn mà ekip của ông ta tạo ra đã được reo mầm. Những cán bộ trẻ tuổi của Đảng Cộng sản Liên Xô vào những năm ấy như Mikhail Gorbachev, Alexander Yakovlev, Eduard Shevardnadze... đều đã bị tác động rất mạnh và có những chuyển biến về tư duy, quan điểm bởi cuộc xét lại của Khrushchev. Lịch sử sau này định danh họ là "những đứa con của Đại hội XX". Chính những nhân vật này, khoảng 30 năm sau, khi trở thành những rường cột của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đã một lần nữa tiếp tục cuộc cải tổ mà Nikita Khrushchev năm xưa còn dang dở. Cuộc cải tổ ở Liên Xô từ năm 1987 trở đi đã ngày càng xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội Marx-Lenin, kết cục tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô, tan rã Liên bang Xô viết là điều tất yếu.

Sau thời của Nikita Khrushchev, Tổng Bí thư tiếp theo của Liên Xô là Leonid Brezhnev. Cho đến đầu những năm 70, ekip của Brezhnev đã thể hiện một phong độ tích cực, ngăn chặn làn sóng xét lại, dung hòa các luồng tư tưởng khác nhau trong đảng, nguyên tắc lãnh đạo tập thể luôn được đề cao, đất nước Liên Xô tạo dựng được nhiều thành tựu lớn và xác lập thế cân bằng hạt nhân chiến lược với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kể từ giữa thập niên 70, cùng với sự suy yếu về sức khỏe của Tổng Bí thư, bộ máy Đảng dần rơi vào trì trệ.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền do Media 21 thực hiện với Tiến sĩ Yevgeny Kobelev, từng là cán bộ Vụ Quốc tế, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, ông cho biết: Brezhnev đã có vài lần muốn nghỉ hưu nhưng không được chấp thuận vì những cán bộ cao cấp khác xung quanh ông lo lắng sẽ bị thay thế khi có nhà lãnh đạo mới. Dân chủ tập trung trong đảng ngày càng bị thu hẹp, đỉnh điểm chính là quyết định tiến quân vào Afghanistan năm 1979.

Một sự kiện đặc biệt hệ trọng như vậy đã được quyết định với sự chứng kiến của 11 người, trong đó, chỉ có 4-5 nhân vật có ý kiến thực sự trọng lượng. 20 Ủy viên Bộ Chí trị còn lại và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ có nhiệm vụ thừa hành quyết định qua thông báo trên radio.

Cùng với thứ bậc chặt chẽ, tầng lớp đặc quyền trong đảng cũng ngày càng phát triển. Trong phỏng vấn độc quyền của Media 21 cho phim tài liệu "Mùa đông 1991", PGS.TS lịch sử Andrey Shadrin, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề khủng hoảng của hệ thống Xô viết, cho biết: "Quá trình các nhóm lợi ích, các khối gia tộc trong đảng chính là một đặc trưng tiêu biểu của thời kỳ này. Sự ngự trị của các quan hệ lợi ích nhóm kéo theo hệ quả không thể tránh khỏi là sự hình sự hóa tất cả chúng, nghĩa là không chỉ vượt ngoài khuôn khổ pháp luật mà còn đối đầu chống lại pháp luật".

Chính tầng lớp đặc quyền trong đảng đã ngăn cản mọi cải cách tiến bộ, ngăn chặn Liên Xô bắt kịp cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 3. Chính vì vậy, nền sản xuất Xô viết vẫn giữ quán tính phát triển theo chiều rộng trong khi các cường quốc tư bản đã chuyển sang pháp triển theo chiều sâu.

Trao đổi với nhóm làm phim của Media 21, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ xác định đây là bước ngoặt không thể bỏ qua để dẫn tới sự cáo chung của Liên Xô: "Đầu những năm 1970, khi nổ ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ, thì đây chính là thời điểm và các nước tư bản chủ nghĩa họ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Chính những năm của thập kỷ 80, do năng suất lao động của các nước tư bản tạo được đột phá nên họ bỏ xa phe xã hội chủ nghĩa, trong đó bao gồm cả Liên Xô". Chung quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Andrey Fursov, nhà bình luận chính trị hàng đầu của nước Nga hiện đại cũng đã chia sẻ với Media 21: "Bây giờ, nhiều người vẫn nhớ đến thời kỳ Brezhnev và nói rằng "nó mới tuyệt vời làm sao". Vâng, đúng là thời kỳ đó thực sự rất êm đềm, nói chung những năm 1970 nhân dân đã có được cuộc sống đầy đủ, nhưng các bạn cần nhớ rằng, đó cũng chính là thời gian mà chúng ta đang ăn mòn tương lai của chính mình. Bởi vì chúng ta khước từ một bước nhảy vọt về khoa học công nghệ, bước nhảy vọt vào tương lai hậu tư bản".

Mikhail Gorbachev, người nắm giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1985 đã chính thức phát động công cuộc cải tổ. Ban đầu, sự nghiệp này nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận rất lớn trong đảng và trong xã hội sau khi Liên Xô đã phải trải qua một thập kỷ trì trệ. Tuy nhiên, Mikhai Gorbachev cũng như nhiều "đứa con của Đại hội XX" khác, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những tư tưởng của Nikita Khrushchev. Do vậy, những cải cách của ông ta dần rời xa những vấn đề mang tính chất nguyên tắc. Ý thức được rằng, Khrushchev bị hạ bệ là do không dám thách thức quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản.

Để tránh rơi vào kết cục tương tự, từ năm 1987, ekip Gorbachev không ngừng sử dụng các thủ thuật chính trị để nhằm làm chia sẽ đảng, cô lập hóa nhóm người chống đối lại những cải tổ của họ. Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân bất thường lần thứ III giữa tháng 3/1990, họ đã thông qua nghị quyết mang tên Thiết lập chức vị tổng thống và sửa đổi bổ sung Hiến pháp Liên Xô. 7 điều trong Hiến pháp Liên Xô bị sửa đổi, trong đó nghiêm trọng nhất là Điều 6. Từ "Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và là hạt nhân của chế độ chính trị, nhà nước và xã hội Liên Xô" bị sửa thành "Đảng Cộng sản Liên Xô, các chính đảng khác và công đoàn, đoàn thanh niên, đoàn thể xã hội và phong trào quần chúng khác, thông qua đại biểu của mình bầu vào Xô viết đại biểu nhân dân và các hình thức khác tham gia vạch ra chính sách của nhà nước Xô viết, công việc quản lý nhà nước và xã hội"

Thay đổi này đồng nghĩa với hành động thủ tiêu địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với nhà nước và xã hội về mặt luật pháp, chấp nhận đa nguyên, đa đảng chính trị trong nước. Xét trên lập trường của chủ nghĩa Lenin, đây là sự phản bội quyết định nhất đối với nguyên tắc quan trọng nhất của một đảng cộng sản cầm quyền.

Trong suốt 3 thập kỷ qua, cơ quan nghiên cứu xã hội học có uy tin hàng đầu nước Nga - Trung tâm Levada thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát xã hội qua từng năm, trong đó cho thấy Lenin và Stalin luôn nằm trong danh sách top 4 những nhân vật được bầu chọn là nổi bật nhất trong toàn bộ lịch sử đất nước. Thậm chí, trong những năm gần đây, hai lãnh tụ Liên Xô còn thường xuyên dẫn đầu danh sách với một tỷ lệ ủng hộ cách biệt so với phần còn lại. Tỷ lệ ủng hộ hệ thống chính trị kiểu Liên Xô của người Nga cũng có xu hướng gia tăng, chiếm tới 49% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ ủng hộ cho mô hình tự do dân chủ kiểu phương Tây chỉ chiếm 16%.

30 năm Liên Xô tan rã dưới góc nhìn nhóm đạo diễn phim tài liệu 'Mùa đông 1991' ảnh 1

Liên bang Nga hiện nay không còn là một nước xã hội chủ nghĩa nữa, nhưng những kết quả thăm dò dư luận này vẫn là minh chứng vô song về tình cảm và thái độ của nhân dân với những ưu việt và tốt đẹp chủ nghĩa xã hội. Những kết quả này cũng đập tan luận điệu mà các lực lượng chống cộng hay dùng với Việt Nam: "Nơi khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực còn từ bỏ nó thì Việt Nam còn đi theo chủ nghĩa xã hội làm gì?". Rõ ràng, nhân dân không hề từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà sự phản bội mang tính chất quyết định của một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã tước đoạt đi chế độ xã hội chủ nghĩa ở đất nước này. Việc sửa đổi điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1990 cũng do chính lực lượng này chủ trì, không một thế lực thù địch bên ngoài nào có khả năng thực hiện được điều đó.

Năm 1988, Natalie Gross, thuộc Viện Nghiên cứu Nga của Lục quân Hoa Kỳ đã cho ra mắt một bài đánh giá về tác động của Cải tổ (Perestroika) và Công khai hóa (Glasnost) tới lực lượng vũ trang Xô viết. Trong đó cho thấy: Quân đội rất lúng túng khi triển khai cải tổ. "Ý tưởng trao quyền tự chủ nhiều hơn cho cấp dưới đã đi ngược lại nguyên tắc cốt lõi của quân đội Liên Xô", bởi trước đây kỷ luật quân đội và sự phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh cấp trên đã được khắc ghi trong lời thề của mỗi quân nhân. Táo bạo hơn nữa, với chủ trương “phê bình không có vùng cấm”, “dân chủ hóa mọi cấp độ”, cấp dưới còn có quyền chỉ trích trực tiếp cấp trên. Cũng trên báo chí quân đội, hòa bình chủ nghĩa được đề cao, mối đe dọa của chủ nghĩa Đế quốc bị cất vào góc tủ, những mẹo để trốn nghĩa vụ quân sự được công khai đăng tải...

Năm 1990, khi ekip của Mikhail Gorbachev lập ra chức vụ Tổng thống Liên Xô thì Tổng thống cũng là người thay thế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản để nắm giữ chức Tổng Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang của Liên Xô. Như vậy, Đảng Cộng sản Liên Xô đã tự mình đoạn tuyệt với quân đội Liên Xô.

Đảng mất đi quyền kiểm soát quân đội cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thất bại của cuộc chính biến ngày 19-8-1991, khi Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp cố gắng loại bỏ Mikhail Gorbachev để cứu lấy Đảng Cộng sản Liên Xô và Liên bang Xô viết.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh bài học này trong chuyến công du tới các tỉnh phía nam Trung Quốc năm 2012: "Đó là một bài học sâu sắc cho chúng ta! Loại bỏ lịch sử Liên Xô và Đảng Cộng sản Liên Xô... đi vào chủ nghĩa hư vô lịch sử, làm rối loạn tư tưởng của chúng ta và phá hoại tổ chức của đảng ở tất cả các cấp... Quân đội bị phi chính trị hóa, tách ra khỏi đảng... Đảng bị tước đi công cụ chuyên chính. Một vài người đã cố gắng cứu Liên Xô... nhưng chỉ trong vài ngày, tình hình đã bị lật ngược, vì họ không có trong tay công cụ để phát huy quyền lực".

Sau sự thất bại của cuộc chính biến 19/8/1991, Đảng Cộng sản bị cấm hoạt động trên lãnh Liên bang Nga, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cũng bị giải tán, đó chính là dấu chấm hết cho Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết sau 74 năm tồn tại.

Liên Xô tan rã là một tai họa cho nhân dân Liên Xô cũng như thế giới. Đó không chỉ là nhận định riêng của những người cộng sản. Mikhail Gorbachev đã phải thú nhận trong hồi ký của mình rằng: “Đó thực sự là một bi kịch - một bi kịch đối với đa số công dân Xô viết … Việc giải thể Liên bang đã làm thay đổi triệt để tình hình ở châu Âu và thế giới, phá vỡ sự cân bằng địa chính trị, làm suy yếu khả năng thực hiện nhiều phong trào tiến bộ đang diễn ra trong nền chính trị thế giới vào cuối năm 1991”.

Tổng thống thứ hai của Liên bang Nga, nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong nền chính trị Nga đương đại, Vladimir Vladimirovich Putin cũng đã có một tổng kết nổi tiếng trên toàn thế giới: “Liên Xô sụp đổ là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX”.

Phim 1991 sẽ phát sóng liên tục từ 17/12 đến 26/12. Từ 20g45 trên HTV9

Theo Quân đội Nhân dân
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.