Trong bản thỏa thuận này, các trường tham gia ký kết khẳng định là đối tác chiến lược của nhau, đồng thời cam kết đảm bảo hợp tác lâu dài, bền vững.
Thông qua hợp tác, các thành viên sẽ hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát huy thế mạnh của mỗi thành viên trong các lĩnh vực hoạt động phù hợp với định hướng của từng thành viên để phục vụ nhu cầu xã hội.
Theo đó, các thành viên sẽ triển khai hợp tác trong các lĩnh vực: đào tạo, khoa học và công nghệ, các hoạt động hỗ trợ sinh viên, cơ sở vật chất, truyền thông, và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Cụ thể, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong cộng tác xây dựng văn hóa chất lượng, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.
Phối hợp đào tạo các môn học tương đương, công nhận các tín chỉ tương đương trong các chương trình học phù hợp của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của các trường thành viên; thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường;
Hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, chuyên viên, thực hiện các chương trình trao đổi giảng viên, chuyên viên để học tập kinh nghiệm giữa các thành viên;
Đặc biệt, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh giữa các trường; Phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên: các hoạt động khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tình nguyện, hỗ trợ chỗ ở tại ký túc xá…
Hợp tác khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của các trường gồm các cơ sở đào tạo, phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng hội thảo, thư viện điện tử…
Bản thoả thuận có hiệu lực trong thời gian 5 năm kể từ ngày ký và có thể kéo dài khi có sự thống nhất của các thành viên. Bản thoả thuận được xem là nền tảng cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 4 trường thành viên.