Hiện hầu hết các trường đã “chốt” việc chọn sách, trong khi đó, các nhà xuất bản cũng tích cực lên kế hoạch triển khai công tác tập huấn giáo viên, cung ứng sách khi năm học mới đã cận kề.
Mỗi bộ sách một sắc màu
Đa dạng hóa sách giáo khoa và giao quyền lựa chọn sách phù hợp cho các giáo viên, nhà trường, địa phương là một bước đột phá trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp một với 46 cuốn đạt yêu cầu thẩm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trong đó có bốn bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, gồm “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”; “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”; một bộ sách “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
“Mỗi bộ sách có những điểm mạnh riêng và đều đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Các giáo viên, nhà trường, địa phương căn cứ trên thực tiễn giảng dạy tại đơn vị mình để cân nhắc lựa chọn sách phù hợp”, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" được biên soạn theo hướng giúp người học vận dụng để giải quyết những vấn đề của đời sống cá nhân và xã hội.
Bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” có các chủ đề, bài học của bộ sách được xây dựng mở, linh hoạt để các địa phương có thể xây dựng kế hoạch giáo dục riêng, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, năng lực học sinh của mình.
Bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" tích hợp những kiến thức, kỹ năng, phương pháp, hướng tới hình thành và phát triển một số năng lực cốt yếu.
Bộ sách "Chân trời sáng tạo" gợi mở, truyền cảm hứng để các em học sinh tìm tòi, khám phá, sáng tạo và chinh phục, phát triển mọi tiềm năng của bản thân.
Bộ sách "Cánh Diều" được biên soạn, xuất bản trên quan điểm thống nhất, xuyên suốt “mang cuộc sống vào bài học – đưa bài học vào cuộc sống", bộ sách được kỳ vọng giúp học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất theo các yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cẩn trọng chọn lựa
Đến thời điểm này, các trường tiểu học trên cả nước đã hoàn thành việc chọn lựa sách giáo khoa lớp 1. Có trường lựa chọn theo bộ, nhưng có nhiều trường lựa chọn theo cuốn, mỗi cuốn lại thuộc các bộ sách khác nhau của các nhà xuất bản khác nhau.
Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ: “Bộ nào cũng có quyển hay, có quyển chưa phù hợp nên ở mỗi bộ, chúng tôi chọn quyển nào phù hợp thuận lợi cho việc giảng dạy cho giáo viên và việc học của học sinh”.
Với trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Hải Phòng), tiêu chí then chốt trong chọn sách là sự đổi mới. “Đối tượng thụ hưởng chính là học sinh của mình. Chúng tôi mong chờ một thế hệ có nhiều sự đổi thay khác bắt kịp với các nước trên khu vực và thế giới, chính vì thế chúng tôi ưu tiên chọn các bộ sách có nhiều tính mới”, cô Lê Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai nói.
Với các tỉnh còn nhiều khó khăn thì việc chọn sách còn phải căn cứ trên tiêu chí phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương. Chia sẻ về việc chọn sách của tỉnh mình, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: “Việc nội dung, hình thức, phương thức tổ chức dạy học trong sách giáo khoa phù hợp với điều kiện học của học sinh, điều kiện dạy của giáo viên và các điều kiện khác của nhà trường là các tiêu chí quan trọng để mỗi môn học, chúng tôi chọn một đầu sách phù hợp nhất.”
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo từ 63 địa phương cho thấy, tất cả các đầu sách được Bộ phê duyệt đều được lựa chọn, không có cuốn sách giáo khoa nào bị bỏ qua. “Điều này cho thấy sự lựa chọn cẩn trọng của các địa phương và thể hiện sự đúng đắn của chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định.
Gấp rút chuẩn bị tập huấn và cung ứng sách
Hoàn thành chọn sách giáo khoa, các giáo viên đang rất nóng lòng chờ tập huấn để nắm rõ được tinh thần của bộ sách mới. Theo cô Đỗ Thị Hoà, Trường Tiểu học Marie Curie (Hà Nội), nguyện vọng của giáo viên là được tập huấn kỹ hơn về sách, thậm chí có thể gặp được trực tiếp tác giả để hiểu hơn về nội dung cũng như phương pháp và ý tưởng của tác giả.
Dù đã có tới 30 năm trong nghề nhưng cô Lương Thị Thuý Hoài, trường Tiểu học Đồng Minh (Hải Phòng) vẫn rất hồi hộp khi sắp dạy chương trình mới, sách mới. “Điều mình lo lắng nhất là cách thức tổ chức và phương pháp dạy, đến giờ mình vẫn chưa được tiếp cận”, cô Hoài bộc bạch. Không chỉ giáo viên, sốt ruột chờ tập huấn cũng là chia sẻ của lãnh đạo các nhà trường. “Chúng tôi mong muốn tổ chức tập huấn sớm nhất để triển khai vào năm học mới kịp thời, sớm có sách để giáo viên nghiên cứu được kỹ càng hơn”, cô Đỗ Thị Dân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đồng Minh (Hải Phòng) nói.
Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và đào tạo, các địa phương phải phối hợp với nhà xuất bản chi tiết hoá chương trình tập huấn và lên kế hoạch cung cấp sách.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị cung ứng đến 4 bộ sách giáo khoa, cho hay đơn vị này đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ giáo viên với hai hình thức tập huấn. “Thứ nhất là hình thức trực tiếp do đội ngũ chủ biên, tổng chủ biên đến từ 7 trường sư phạm trong điểm của cả nước thực hiện. Thứ 2 là tập huấn qua mạng với các hội thảo để giáo viên có thể tương tác”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, trong khi chờ kết quả thống kê chọn sách cuối cùng từ các địa phương để tập huấn trực tiếp, để hỗ trợ quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên, các nhà xuất bản cũng đang tích cực triển khai nền tảng tập huấn trực tuyến phục vụ việc tiếp nhận tài liệu, thông tin... tới các cấp quản lý địa phương.
Về việc cung ứng sách giáo khoa, ông Tùng cho hay các nhà xuất bản cũng đang chờ các địa phương chốt số lượng để in và phát hành. “Trước đây, cả nước chỉ có một bộ sách, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng từ đăng ký số lượng của tỉnh thành, cơ bản có một đầu mối. Nhưng sách giáo khoa mới phức tạp hơn nhiều, mỗi cơ sở một lựa chọn khác nhau, nên chúng tôi phải tập hợp từng tỉnh, thống kê từng môn học với mỗi môn có bao nhiều bản được đăng ký. Xuất bản dựa trên những con số có tính riêng biệt, cụ thể nên việc in ấn, phát hành nó sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều,” ông Tùng phân trần. “Chúng tôi sẽ phục vụ thầy cô và học sinh đầy đủ và đồng bộ, kể cả những đầu sách ít được lựa chọn, dù chỉ mấy trăm bản cũng vẫn in”, ông Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Thái Văn Tài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương và các đơn vị cung ứng sách giáo khoa cần phối hợp chặt chẽ với nhau để kịp thời cung ứng bản giấy sách giáo khoa lớp 1 mới đến các trường và học sinh đúng tiến độ, đảm bảo học sinh và giáo viên có đầy đủ sách trước khi bước vào năm học mới, kể cả những đầu sách có số lượng đăng ký ít.