6 xu thế mới của thế giới sau mùa COVID-19

[Ngày Nay] - Thế giới mà chúng ta từng sống trước khi đại dịch xuất hiện đã không còn. Thế nhưng chính nhân loại chúng ta sẽ định đoạt những ngày sau này như thế nào.
6 xu thế mới của thế giới sau mùa COVID-19

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã khiến toàn bộ các quốc gia rơi vào cảnh phong tỏa, giết chết hàng trăm nghìn người và làm hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp, tàn phá vô số doanh nghiệp và thậm chí là đẩy cả tỷ người rơi vào cảnh bấp bênh.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Dưới đây sẽ là một số viễn cảnh rất có khả năng xảy ra vào một thế giới hậu COVID-19.

Không còn những văn phòng, công sở

Thị trường bất động sản thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng COVID-19. Nhiều doanh nghiệp dự kiến sẽ không mở cửa trở lại sau khi dịch bệnh qua đi – đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều văn phòng trống. Những công ty khác có thể cho phép nhân viên của họ tiếp tục làm việc tại nhà và lựa chọn tiết kiệm tiền mặt bằng cách tận dụng các không gian làm việc linh hoạt hơn.

6 xu thế mới của thế giới sau mùa COVID-19 ảnh 1
Thay vì tới công sở, dịch bệnh khiến mọi người có thói quen làm việc tại nhà.

Mặc dù sẽ có những bất tiện từ việc làm ở nhà, nhưng các nhà quản lý trong một số ngành đã nhận ra rằng việc tổ chức hội nghị trực tuyến đem tới hiệu quả thực tế hơn.

"Nó có hiệu quả hơn nhiều so với việc có hàng trăm cuộc họp trực tiếp", Thị trưởng thành phố Warsaw ông Rafał Trzaskowski, chỉ ra. "Chỉ bây giờ mọi người mới nhận ra việc sử dụng công nghệ trong công việc dễ dàng như thế nào”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil hiện đang soạn thảo một đạo luật để người lao động có quyền làm việc tại nhà ngay cả sau khi dịch bệnh qua đi.

Theo công ty tư vấn Global Workplace Analytics, cho tới năm 2022 sẽ có tới 30% người lao động trên toàn cầu có thể làm việc tại nhà nhiều ngày mỗi tuần.

Các không gian công sở bị bỏ trống có thể được tận dụng để mở rộng thị trường nhà ở, nhất là tại các đô thị cổ ở châu Âu như Madrid, Rome, hay các thành phố đông dân ở châu Á như Hong Kong, vốn đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhà ở.

Các nhà hàng tiếp tục thiệt hại

Dịch bệnh có thể đảo ngược thói quen ăn uống ngoài trời của nhiều quốc gia. Những bài học thực tiễn từ Trung Quốc cho thấy ngay cả khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, có rất ít người dám dùng bữa ở bên ngoài so với trước đây.

Theo Adrian Cummins, thành viên hội đồng quản trị của HOTREC - đơn vị thuộc Hiệp hội khách sạn, nhà hàng, quán rượu và quán cà phê, sẽ mất một thời gian trước khi các nhà hàng mới trở lại cảnh đông đúc và nhộn nhịp như trước khi đại dịch xuất hiện.

"Điều quan trọng nhất mà ngành nhà hàng, khách sạn cần khôi phục đó là niềm tin của người tiêu dùng" ông Cummins nói. "Chúng tôi cần đảm bảo rằng khách hàng sẽ không có tâm lý bất an khi ra ngoài ăn tối”.

6 xu thế mới của thế giới sau mùa COVID-19 ảnh 2
Các nhà hàng Trung Quốc giờ đây không còn cảnh đông đúc như trước. Ảnh: Xinhua

Tại Trung Quốc, các nhà hàng muốn mở cửa trở lại đã phải tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh: nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn và kiểm tra thân nhiệt khách hàng.

Một số nhà hàng tại Nhật Bản đã lắp đặt các hệ thống phun thuốc khử trùng trước khi khách hàng vào cửa, sau đó gọi đồ qua máy tính bảng và mỗi người sẽ được cách nhau bởi một tấm kính trong suốt.

Điều này sẽ khiến nhiều người không còn cảm thấy thoải mái khi không cảm nhận được sự gần gũi với đối phương, thế nhưng việc gỡ bỏ các lớp phòng bị này đồng nghĩa với việc giết chết nhiều doanh nghiệp và nhà hàng.

Ngay cả khi người tiêu dùng muốn đi ăn ngoài, họ nhận ra nhiều nhà hàng ưa thích của mình đã đóng cửa. Cummins ước tính rằng ở Ireland, nơi ông sống, 40-50% nhà hàng có thể không mở cửa trở lại. Đó là lý do tại sao, chính phủ nên giúp đỡ các doanh nghiệp với khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay không phần trăm.

Thắt chặt chi tiêu

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh cũng đã thay đổi thói quen tiêu pha của mọi người. Lệnh phong tỏa toàn quốc và đóng cửa nhà hàng đã khiến nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự nấu nướng ở nhà. Nhiều người cũng chọn cách đi mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa gần nhà, thay vì tìm tới các siêu thị lớn.

Theo khảo sát của công ty YouGov được thực hiện vào đầu tháng 4, có tới 42% người Anh cho biết họ coi trọng thực phẩm hơn trước khủng hoảng, 38% cho biết nấu ăn thường xuyên hơn và 33% cho biết họ vứt bỏ ít thực phẩm hơn.

"Qua cuộc khảo sát này, chúng tôi hy vọng người tiêu dùng sẽ dành sự tôn trọng đối với thực phẩm mà chúng ta đang tiêu thụ hằng ngày", Mette Lykke, CEO của Too Good To Go, một ứng dụng nhằm giảm lãng phí thực phẩm. "Trong một thời gian dài, chúng tôi đã không thực sự đánh giá cao giá trị của thực phẩm, chúng ta đã coi chuyện lãng phí là điều hiển nhiên”.

Chloe Cao, một dịch giả tiếng Pháp sống tại Bắc Kinh, cho biết từng chi hơn 200 USD một tháng khi đi ăn ngoài quán, 70 USD một tháng cho các cửa hàng cà phê và 170 USD cho một tuýp kem dưỡng da nhập khẩu. Khi lâm vào cảnh thất nghiệp do đại dịch, cô phải tự nấu ăn, tự pha cà phê và mua kem dưỡng Trung Quốc với giá 28 USD.

6 xu thế mới của thế giới sau mùa COVID-19 ảnh 3

Những cửa hàng xa xỉ phẩm ở Ý mất đi lượng lớn thu nhập do sự vắng mặt của khách du lịch Trung Quốc. Ảnh: Reuters

"Sức chi tiêu của tôi lúc trước với hiện nay như một trời một vực. Sau này khi tìm được công việc, tôi sẽ cố gắng tiết kiệm và không quay trở lại thói quen tiêu xài như cũ", Cao chia sẻ.

"Hầu hết mọi người đã thực sự nhận ra rằng chúng ta có thể sống theo một cách hoàn toàn khác và vẫn khá giả", ông Lykke nói. "Rất nhiều thứ chúng ta từng không tiếc tiền mua, hiện không còn khiến chúng ta hứng thú nữa”.

Sự trỗi dậy của nền kinh tế Gig

Nền kinh tế Gig (Gig Economy) là nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chia lực lượng lao động thành hai loại: những người có thể làm việc tại nhà và những người bị buộc phải ra ngoài đường. Trong khi các nền tảng giao hàng hóa trực tuyến như Grab, Uber, Meituan cho rằng mô hình của họ mang lại cho mọi người sự linh hoạt và kiểm soát thu nhập của họ, dịch bệnh đã cho thấy những người lao động tự do trong nền kinh tế Gig dễ bị tổn thương tới cỡ nào.

Người lao động Gig (Gig worker) - những người làm việc cho các nền tảng giao hàng thực phẩm, vận tải và thương mại điện tử, có rất ít sự lựa chọn trong mùa dịch. Họ bắt buộc phải ra ngoài và tiếp xúc với khách hàng, đồng nghĩa với việc có nguy nhiễm bệnh cao hơn.

Các chính phủ sẽ phải suy nghĩ lại về các biện pháp bảo hộ đối với những người lao động Gig, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều người lao động truyền thống chuyển sang lĩnh vực này.

Thói quen đi lại thay đổi

Cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đang khiến các nhà quản lý nhanh chóng phát triển các hệ thống bán vé điện tử khi sử dụng phương tiện công cộng, thay vì mua vé truyền thống mọi người sẽ đặt chỗ qua ứng dụng.

Nỗi lo sợ nhiễm bệnh trên tàu hoặc xe buýt sẽ khiến nhiều người không có nhu cầu sử dụng các phương tiện này, khiến các thành phố tốn thêm chi phí để duy trì vận hành hệ thống giao thông công cộng để bù đắp tổn thất.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, chính quyền ở những nơi như Luxembourg và Vienna đã cố gắng giảm giá hoặc miễn phí phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm mật độ xe cá nhân trong nội đô.

Với sự lên ngôi của các hội nghị trực tuyến, nhiều công ty như Facebook, Rio Tinto và BP đã không còn tổ chức các hội nghị trực tiếp với sự tham gia của các lãnh đạo trên toàn cầu.

Các công ty sẽ có thể đánh giá chặt chẽ năng suất của hai hình thức hội nghị này và xem xét liệu chi phí đi lại bỏ ra cho các sự kiện này có xứng đáng hay không.

Với sự không chắc chắn trong tương lai, Facebook đã loại bỏ việc tổ chức các sự kiện với hơn 50 người tham dự cho đến ít nhất là tháng 6 năm 2021 và đã cấm hoạt động đi công tác cho đến ít nhất là tháng 6 năm nay.

Các hãng hàng không đã bắt đầu chú ý tới viễn cảnh này. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dù vẫn rất lạc quan nhưng chuyên gia Brian Pearce từ IATA cũng phải thừa nhận rằng việc thay đổi thói quen đi xa có thể gây ra thiệt hại lớn cho ngành hành không.

"Nếu các cuộc họp trực tuyến tiếp tục được ưu tiên, chắc chắn điều này sẽ dần thay đổi thói quen di chuyển của mọi người", ông Pearce nói.

Một khi khủng hoảng lắng xuống, nhu cầu đi du lịch bằng máy bay cũng sẽ thay đổi. Một khi lệnh cấm di chuyển được gỡ bỏ, sẽ có nhiều người phát sinh nhu cầu đi du lịch, nhưng với các hiểm họa mắc bệnh từ đường hàng không, nhiều người sẽ ngần ngại chọn máy bay và thay vào đó là đi ô tô.

Các “gã khổng lồ công nghệ” thế chân chính phủ

Trong những cuộc khủng hoảng trước đây, mọi người thường tìm đến các cơ quan chính phủ để tìm sự giúp đỡ. Còn trong thời kỳ COVID-19, các “gã khổng lồ công nghệ” đã thế chân chính phủ.

Facebook đã hợp tác với các cơ quan y tế quốc gia để thông tin cho mọi người; Google đã cho kết quả tìm kiếm bằng các bản cập nhật mới nhất về cách giữ an toàn; Amazon đã trở thành một nhánh của các dịch vụ bưu chính của nhiều quốc gia, còn Alibaba hay JD.com trở thành cứu cánh duy nhất cho người dân Trung Quốc để sinh tồn ngay trong căn nhà của họ.

6 xu thế mới của thế giới sau mùa COVID-19 ảnh 4

Những tài xế giao thực phẩm được người dân Trung Quốc coi là người hùng trong thời điểm dịch bệnh ngăn mọi người ra khỏi nhà. Ảnh: Reuters

Xu hướng coi các công ty công nghệ là những tiện ích công cộng trên sẽ không giảm ngay cả khi số ca mắc COVID-19 có lắng xuống.

Bằng cách cung cấp tư vấn, hướng dẫn và dịch vụ từng phút, các công ty này đã trở nên gắn liền với đời sống của mọi người nhiều hơn cả trước thời kỳ COVID-19. Quay trở lại cách sống như trước gần như sẽ rất khó khăn, hay thậm chí là không thể.

Chưa bao giờ các cơ quan chính phủ lại hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ tới vậy. YouTube và Facebook đã cam kết kiểm soát nạn tin giả cho các chính phủ, trong khi Amazon cung cấp vật tư y tế thay mặt cho một cơ quan y tế công cộng. Ranh giới giữa các cơ quan công cộng và các công ty tư nhân này đang ngày càng trở nên mờ nhạt.

Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
Kiên quyết đấu tranh chống thổi giá, lợi ích nhóm
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, phù hợp với kịch bản điều hành chung, không để bị động.
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
Không tùy tiện tăng giá gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 24/4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản, đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch Hè 2024.
Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.