Khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump sẽ được ông Barack Obama bàn giao lại "vali hạt nhân", bên trong có chứa một thiết bị hình chữ nhật kích thước 7,6x12,7cm.
Thiết bị này có tên lóng là "bánh quy", mang trong mình mã vạch thực hiện cuộc tấn công hạt nhân.
Hãng tin BBC cho biết "vali hạt nhân" sẽ không bao giờ rời tổng thống và cuộc tấn công hạt nhân được tổng thống kích hoạt bằng một thẻ nhựa.
Sau khi tổng thống đã lựa chọn phương thức tấn công, lệnh này sẽ được chuyển đến Lầu Năm Góc, dùng mã xác nhận có niêm phong; rồi lệnh được chuyển đến Sở chỉ huy chiến lược Mỹ tại Căn cứ không quân Offutt tại Nebraska, Mỹ.
Sau đó, lệnh tấn công lại được đưa đến đội thực hành, dùng mật mã đã được mã hóa. Mật mã này phải trùng khớp với mật mã đội thực hành đang giữ trong két sắt. Khi đó, cuộc tấn công bắt đầu.
Mark Fitzpatrick, một chuyên gia phi phát triển hạt nhân tại Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược tại Washington, nói rằng về cơ bản, quyền kích hoạt cuộc tấn công hoàn toàn thuộc về tổng thống.
Hãng tin BBC trích lời ông Fitzpatrick: "Không có kiểm tra hay quyền đối trọng trong thẩm quyền kích hoạt tấn công hạt nhân của tổng thống. Tuy nhiên, từ lúc tổng thống kích hoạt cho đến khi chiến dịch thực sự bắt đầu, vẫn còn thời gian".
Về lý thuyết, tổng thống là người kích hoạt nhưng Bộ trưởng Quốc phòng sẽ trực tiếp thực hiện. Bộ trưởng Quốc phòng có thể bất tuân nếu nghi ngờ động cơ của tổng thống.
Tuy nhiên, điều này sẽ phạm luật đảo chính và tổng thống có thể bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng, chỉ định Thứ trưởng Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ.
Theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, về lý thuyết, phó tổng thống có thể tuyên bố tổng thống không đủ tỉnh táo đưa ra một quyết định đúng đắn, nhưng khi đó phó tổng thống cần phải được hầu hết nội các đứng sau lưng.