Theo hãng tin Bloomberg, một sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra khi các hãng hàng không trên thế giới đánh giá lại hoạt động của mình cũng như định hướng cho tương lai sau khủng hoảng đại dịch COVID-19. Tại các sân bay, việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đã cho thấy sự thay đổi hành vi giữa nhân viên và hành khách. Bên cạnh đó, hàng loạt những điều chỉnh khác đang diễn ra và tác động đến mọi khía cạnh của ngành hàng không khi các lệnh hạn chế dần được nới lỏng.
“Chúng tôi nên chuẩn bị cho một sự phục hồi chậm chạp, ngay cả khi virus SARS-CoV-2 đã được kiểm soát. Tôi ước tính thời gian phục hồi có thể mất từ 2 đến 3 năm”, ông Ed Bastian, Giám đốc điều hành hãng hàng không Delta Air Lines tại Mỹ, cho biết.
Trong vài tháng, virus SARS-CoV-2 đã phá vỡ hàng thập kỷ bùng nổ của ngành hàng không. Sự bùng nổ đó đã thu hẹp trở ngại di chuyển của con người trên khắp hành tinh, tạo việc làm và giúp hàng trăm triệu con người lần đầu tiên trong đời được bay. Nhưng hiện tại, mọi thứ đã tạm dừng, các hãng hàng không đã giảm hơn 70% công suất hoạt động kể từ tháng 1, theo công ty phân tích Cirium.
Chưa biết khi nào mọi người lại có thể sẵn sàng cho các chuyến bay trong những cabin chật chội như trước. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết 40% du khách gần đây nói rằng họ sẽ đợi ít nhất 6 tháng sau khi đại dịch được đẩy lùi mới dám đi máy bay. Trước tình hình này, hãng hàng không EasyJet dự định sắp xếp mỗi hành khách ngồi cách nhau 1 ghế để trấn an họ về khoảng cách an toàn cá nhân. Trong khi đó, phi hành đoàn của Korean Air được trang bị kính, khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ.
Thay đổi thiết kế cabin
Thiết kế khoang máy bay có thể thay đổi khi các hãng hàng không muốn kiếm thêm lợi nhuận từ hành khách, một vài hãng có thể cải tiến khoang cao cấp trong thời gian còn đang đỗ lâu ngày trên mặt đất. Theo nhận định của ông Volodymyr Bilotkach, giảng viên Quản trị hàng không tại Học viện công nghệ Singapore, tác giả quyển "The economy of Airlines", xuất bản năm 2017, điều này dẫn đến sự khác biệt rõ nét hơn về chỗ ngồi giữa hạng vé thương gia trở lên với vé phổ thông,
Châu Á - một trong những thành trì cuối cùng của chính sách giá vé trọn gói - cũng sẽ phải cân nhắc lại việc tính phí đối với hành khách hạng phổ thông cho những hạng mục như hành lý ký gửi, chỗ để chân và bữa ăn, chuyên gia nhận định.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngay cả trước khi virus tấn công, các hãng thường chỉ kiếm được 3 USD lợi nhuận từ mỗi khách hàng. Nhưng ở châu Âu và Mỹ, các khoản phụ phí đã tăng lên, lợi nhuận trung bình trên mỗi khách lần lượt là 5 USD và 17 USD.
Các chuyến bay giá rẻ đã hoạt động trở lại và cạnh tranh nhau để thu hút lượng hành khách ít ỏi có nhu cầu di chuyển. Tại Trung Quốc, các đường bay bận rộn nhất đã tăng trưởng ít nhất 7% so với lúc thấp điểm của tháng 2/2020. Giám đốc IATA Alexandre de Juniac cho rằng việc đeo khẩu trang có thể trấn an hành khách. Tuy nhiên, nếu bỏ trống ghế giữa của dãy ghế thì doanh thu tối đa sẽ là thách thức và giảm sức chứa tối đa xuống dưới mức hoà vốn.
Máy bay của hãng hàng không Avianca đậu tại sân bay quốc tế El Dorado ở Bogota, Colombia. Ảnh: Bloomberg |
Ngành hàng không đã từng vượt qua nhiều thử thách trước đây, nhưng chưa có cuộc khủng hoảng tồi tệ nào như COVID-19. Gần 2/3 trong số 26.000 máy bay chở khách của thế giới đã phải “ nằm bất động” trên đường băng và khoảng 25 triệu người có nguy cơ mất việc. IATA cảnh báo các hãng hàng không phải đối mặt với tình trạng thất thu tiền vé lên tới 314 tỷ USD trong năm nay. Một nửa trong số họ đứng trước nguy cơ phá sản trong 2 đến 3 tháng tới nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ.
EasyJet, có trụ sở tại Luton, Anh, sở hữu các nhóm khoa học dữ liệu có thể mô hình hóa các kịch bản khác nhau nhằm dự đoán nhu cầu sớm trở lại như thế nào, ở mức nào, mức giá mọi người sẽ phải trả và chi phí bao nhiêu để kiếm lợi nhuận trên một chuyến bay nhất định. Trong một hội nghị mới đây của hãng, CEO Johan Lundgren thừa nhận không ai biết được câu trả lời.
Kiểm tra sức khoẻ hành khách
Một mối lo ngại khác là lượng khách sẽ bị trì hoãn phục hồi bởi các quy tắc nhập cảnh liên quan đến sức khỏe có thể khác nhau giữa các quốc gia, đặc biệt là trong quá trình mở cửa không đồng đều. Ngay khi an ninh sân bay thắt chặt sau vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ, hành khách phải qua kiểm tra thân nhiệt, thậm chí là cần có giấy chứng nhận sức khỏe để bay, theo công ty tư vấn BCG. Điều này rất mất thời gian và làm phức tạp lịch trình bay.
“Cần phải làm điều đó nhanh chóng và an toàn”, ông Dirk-Maarten Molenaar, người đứng đầu nhà điều hành du lịch BCG ở Châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi, có trụ sở tại Amsterdam, cho biết.
Hành khách được kiểm tra thân nhiệt tại sân bay. Ảnh: Bloomberg |
Bản chất cơ bản của vận chuyển hàng không là thúc đẩy thương mại, ngoại giao, kinh doanh và du lịch. Do vậy, các hãng hàng không đang đề nghị các chính phủ trên thế giới hỗ trợ họ. Đầu tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã giải ngân vòng hỗ trợ đầu tiên cho các hãng hàng không. Trong khoảng thời gian đó, Virgin Australia Holdings đã đệ đơn xin phá sản sau khi không nhận được cứu trợ của chính phủ. Hãng này đã đưa ra 8 kêu gọi hỗ trợ tài chính khác nhau trước khi phá sản.
Theo chuyên gia Bilotkach của Học viện công nghệ Singapore, việc nhiều hãng hàng không phá sản sẽ dẫn đến ít cạnh tranh hơn. Các hãng bay giá rẻ quy mô lớn có thể sẽ vẫn tồn tại, nhưng phần lớn sẽ được chống đỡ bằng một phần vốn của chính phủ hoặc ít nhất là nợ chính phủ. Vì vậy, các hãng này có khả năng cắt giảm những đường bay có lợi nhuận thấp nhất và tăng giá vé. Ví dụ, những đường bay như London - New Orleans hoặc Amsterdam - Salt Lake City sẽ có thể bị cắt đầu tiên.
"Giá vé sẽ ở mức trước khủng hoảng hoặc cao hơn một chút. Chắc chắn sẽ có ít lựa chọn chuyến bay hơn", chuyên gia Bilotkach nói và cho biết các hãng hàng không có thể mất đến 2 hoặc 3 năm để phục hồi.
Quầy hàng không được bảo vệ bằng tấm chắn tại sân bay Schiphol ở Amsterdam. Ảnh: Getty Images |
Du lịch thiết yếu
Virus SARS-CoV-2 đã dẫn đến các cuộc hội thảo video từ xa, điều này có thể thúc đẩy mọi người đánh giá lại nhu cầu bay, theo Công ty dịch vụ Tài chính UBS Group AG.
Ông Celine Fornaro, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu UBS tại châu Âu có trụ sở ở London, dự báo sẽ có sự thay đổi tăng tốc từ hàng không sang đường sắt cao tốc ở châu Âu và Trung Quốc. Một số chuyến bay chi phí thấp hoặc chặn ngắn sẽ biến mất. Năm 2019, các chuyến bay ngắn dưới 300 dặm đã đóng góp cho 1/5 thị trường hàng không châu Âu, theo UBS.
Nếu xu hướng này lan rộng ra các khu vực khác như châu Á, sự mở rộng mạnh mẽ của ngành hàng không sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Các chuyến bay ngắn, đặc biệt là ở châu Âu, đã bị phản đối trước đại dịch COVID-19 bởi các phong trào kêu gọi lựa chọn phương tiện di chuyển thải ra lượng carbon thấp hơn.
Các thành viên của đơn vị khẩn cấp Tây Ban Nha khử trùng khu vực làm thủ tục tại sân bay El Prat ở Barcelona. Ảnh: Bloomberg |
Hồi phục sau khủng hoảng
Ông Jared Harckham, Phó Chủ tịch trụ sở New York và Giám đốc Điều hành Hãng tư vấn hàng không ICF International Mỹ cho rằng rất khó để dự đoán bất kỳ kết quả nào trong khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Nhưng một điều chắc chắn là sẽ có sự dồn nén nhu cầu đi lại, như thăm gia đình và bạn bè sau khi lệnh hạn chế đi lại được dỡ bỏ.
Các hãng hàng không ban đầu có thể phải giảm giá để thu hút hành khách trở lại và mối lo ngại về an toàn vệ sinh sẽ dần tan biến, ông Rico Merkert, Giáo sư quản lý vận tải và chuỗi cung ứng tại trường kinh doanh của Đại học Sydney, cho biết.
Một hành khách tại Sân bay quốc tế Tocuman, Panama City. Ảnh: Bloomberg |
Với tổng công suất hoạt động giảm, các hãng sẽ ưu tiên các máy bay nhỏ hơn và dễ quản lý hơn như Dreamliner của Boeing và A330 của Airbus hơn là các máy bay như A380. Ngoài ra, những liên minh hàng không chưa từng thấy sẽ xuất hiện giữa các hãng hàng không quốc gia khi các hãng nhỏ héo tàn.
"Ngành công nghiệp hàng không có thể thay đổi hoàn toàn khác biệt. Gần như là bạn đang quay ngược thời gian trở về quá khứ vậy ", ông Molenaar tại BCG, nhận định.