Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng với trường hợp các lô hàng được đưa lên tàu trước thời điểm ra thông báo cấm; các lô hàng có hóa đơn vận tải được hoàn tất, tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo cấm và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử, hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm ra thông báo cấm. Thời hạn cho việc xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023. Lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của chính phủ nước đó.
Ấn Độ trở thành cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ năm 2012. Trong những năm gần đây, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ còn nhiều hơn tổng số gạo xuất khẩu của ba nước Thái Lan, Việt Nam và Pakistan.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, khoảng 101.000 tấn - tăng 56,64% so với tháng 5/2022, và đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng. Tính trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367.500 tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Hãng Bloomberg trước đó đưa tin, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo. Lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến khoảng 80% xuất khẩu gạo của Ấn Độ, làm giảm giá gạo ở Ấn Độ và có thể tác động tiêu cực đến giá gạo toàn cầu.