Hai cường quốc quân sự đang đàm phán các thỏa thuận quốc phòng, vũ trụ và năng lượng hạt nhân, dự kiến sẽ được công bố trong chuyến thăm của ông Modi.
Tại cuộc họp báo chung ở Điện Elysee, ông Macron cho biết Ấn Độ và Pháp chia sẻ "sự thân thiết chiến lược".
Nhà lãnh đạo Pháp trải thảm đỏ đón Thủ tướng Modi trong ngày quốc khánh Pháp, cũng là dịp để Paris bày tỏ sự tôn trọng với các đối tác quan trojgn và trình làng những thiết bị quân sự mới nhất. Sự kiện này cũng trùng với dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Ấn Độ.
Hôm thứ Năm, Ấn Độ tuyên bố sẽ trang bị cho lực lượng hải quân 26 máy bay chiến đấu phản lực Rafale của Pháp, cũng như 3 tàu ngầm Scorpene, mặc dù thỏa thuận vẫn chưa được ký kết. Ấn Độ trước đó đã đặt mua 36 chiếc Rafale cho lực lượng không quân của mình, tất cả đều đã được chuyển giao.
Khoảng 250 thành viên của lực lượng không quân, hải quân và Trung đoàn Punjab nổi tiếng của Ấn Độ cũng tham gia buổi lễ quốc khánh.
Ba máy bay chiến đấu phản lực Rafale của Ấn Độ đã bay qua đại lộ Champs-Elysees cùng với những chiếc máy bay của Pháp. Đây cũng là dịp để tưởng nhớ những người lính Ấn Độ đã chiến đấu trên lãnh thổ Pháp trong Thế chiến thứ nhất.
“Chúng ta có thể cùng lúc nhìn thấy một bức tranh tuyệt vời về sự hợp tác ngày càng tăng trên biển, trên đất liền và trên bầu trời", ông Modi nói.
Hai nhà lãnh đạo cũng giải thích lộ trình hợp tác trong tương lai, tập trung vào công nghệ trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự.
“Tăng cường quan hệ kinh tế là ưu tiên chung của chúng tôi và hợp tác sẽ được tăng cường trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hydro xanh, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, công nghệ mạng và kỹ thuật số", ông Modi phát biểu.
Yogesh Gupta, cựu đại sứ Ấn Độ tại Pháp, các lĩnh vực tiên tiến như vũ trụ và năng lượng hạt nhân là sự mở rộng cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước. Ông Gupta chỉ ra rằng Pháp là đối tác châu Âu hàng đầu của Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực và mối quan hệ song phương được đánh dấu bằng "sự tin cậy và tin tưởng lẫn nhau đặc biệt".
Paris và New Delhi đã tổ chức các cuộc tập trận và tuần tra hải quân chung hàng năm ở Ấn Độ Dương, hợp tác về năng lượng hạt nhân và ký kết các hợp đồng lớn về quốc phòng và hàng không vũ trụ.
Isabelle Saint-Mezard, một nhà phân tích tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cho biết: “Mối quan hệ này được thúc đẩy bởi niềm đam mê chung với công nghệ cao như chìa khóa của quyền lực nhà nước. Trong nhiều thập kỷ, mối quan hệ đối tác này được thúc đẩy bởi các lĩnh vực tiên tiến và người Pháp nhận thức rõ rằng sức hấp dẫn của họ nằm ở khả năng chuyển giao công nghệ quân sự cho Ấn Độ”.
Theo vị chuyên gia, Ấn Độ coi trọng việc chính phủ Pháp, mặc dù là đồng minh của NATO và Mỹ, vẫn quyết định "quản lý lộ trình của riêng mình trong quan hệ quốc tế."
Pháp cũng coi Ấn Độ là một trụ cột an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang bất ổn do căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây.
Mối quan hệ này mang lại cho Pháp tính hợp pháp với tư cách là một bên tham gia trong khu vực, nơi nước này có các lãnh thổ hải ngoại ở các đảo Reunion và Mayotte, cùng với các căn cứ quân sự ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Djibouti. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ chuyên môn và ảnh hưởng của Pháp ở các khu vực phía Tây của Ấn Độ Dương.
Ông Modi nói rằng "với tư cách là các cường quốc thường trú ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ và Pháp có trách nhiệm đặc biệt trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực này", củng cố tham vọng của Pháp trong khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Macron cho biết cả hai nước đều muốn "bảo vệ cùng một tầm nhìn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một không gian phải luôn mở và không có bất kỳ bá quyền nào".