Các bộ trưởng kinh tế thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sáng 23/4 đã chính thức nhóm họp trong khuôn khổ Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM Retreat) lần thứ 25 diễn ra tại Phuket trong hai ngày 22 và 23/4.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự hội nghị.
Hai trong số các mục tiêu chính được thảo luận tại AEM Retreat lần thứ 25 là việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay và hoàn tất Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).
Nếu các cuộc thương lượng thành công, RCEP sẽ là hiệp định thương mại đa phương lớn nhất trong lịch sử, bao gồm 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cùng New Zealand. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các thành viên RCEP chiếm tới 28% GDP toàn cầu và chiếm 30% giá trị thương mại thế giới.
Trong khi đó, ASW có mục tiêu hợp nhất các hệ thống một cửa quốc gia khác nhau tại các nước thành viên ASEAN nhằm giải quyết nhanh chóng thủ tục thông quan hàng hóa và thúc đẩy thương mại xuyên biên giới bằng việc cho phép thực hiện trao đổi điện tử các giấy tờ liên quan đến thương mại giữa các thành viên ASEAN. Nhờ có ASW, thời gian chờ đợi của hàng hóa tại biên giới có thể sẽ được giảm từ 10 ngày xuống còn ba ngày.
Tại Hội nghị AEM Retreat lần thứ 25, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN dự kiến sẽ ký hai văn kiện quan trọng là Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) và Nghị định thư thứ tư sửa đổi Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA).
Theo Vụ trưởng Vụ đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, bà Auramon Supthaweethum, ATISA có mục tiêu cải thiện các tiêu chuẩn quy định cho khu vực dịch vụ trong khu vực, giảm bớt những rào cản không cần thiết đối với thương mại dịch vụ trong ASEAN và tăng cường sự minh bạch về quy định đối với khu vực dịch vụ cho từng thành viên ASEAN.
Nhóm các ngành dịch vụ được hưởng lợi bao gồm chăm sóc sức khỏe, du lịch, khách sạn, nhà hàng, xây dựng, dịch vụ hội nghị và triển lãm. Trong khi đó, Nghị định thư thứ tư sửa đổi ACIA sẽ giải quyết vấn đề các chính phủ đặt ra những điều kiện nhất định đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy đầu tư trong khu vực. Các quốc gia thành viên ASEAN đã hoàn tất đàm phán hai hiệp định trên vào cuối năm ngoái.
Trong năm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Thái Lan đề ra 13 mục tiêu kinh tế đầy tham vọng để thúc đẩy hội nhập khu vực theo ba trụ cột chính gồm hỗ trợ ASEAN chuẩn bị cho Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 (4IR); thúc đẩy kết nối ASEAN thông qua thương mại, đầu tư và du lịch; và Tăng cường phát triển kinh tế bền vững trong ASEAN.
Do việc chuẩn bị cho khu vực thích ứng với 4IR là một ưu tiên kinh tế chính trong năm 2019, Hội nghị AEM Retreat lần thứ 25 cũng sẽ thảo luận về những gì ASEAN có thể làm với tư cách là một cộng đồng kinh tế để đáp ứng những thách thức của 4IR.
Trong năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Thái Lan và ASEAN tăng 13%, đạt 114 tỷ USD. Thị trường ASEAN chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan. Số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan cũng cho thấy giá trị trao đổi thương mại của nước này với các nước RCEP đạt khoảng 70 tỷ USD. Hàng xuất khẩu của Thái Lan sang các nước RCEP chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan.