Tiến sĩ Robert O. Freedman, Giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Baltimore Hebrew (Mỹ) mới đây đã đưa ra nhận định về vai trò của Australia trong việc kiềm chế những hành động bành chướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo ông Freedman, trong bối cảnh Mỹ vẫn hướng sự tập trung vào khu vực Trung Đông, đặc biệt là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS), Trung Quốc đã tiếp tục các hành động gây hấn ở Biển Đông. Bắc Kinh không những xây đảo nhân tạo trái phép mà còn triển khai các chiến đấu cơ, tên lửa phòng không, khiến các quốc gia láng giềng lo ngại.
Tàu hải quân Hoàng gia Australia.
Đáp trả lại hành động của Trung Quốc, Mỹ đang ngày càng tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia ở châu Á, bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Australia. Xét trên nhiều phương diện, chìa khóa giúp kiềm chế Trung Quốc có thể nằm trong tay Australia, quốc gia có 24 triệu dân, vốn có cái nhìn đa chiều về Bắc Kinh.
Sách Trắng Quốc phòng Australia mới được công bố, ủng hộ việc mua 12 tàu ngầm hiện đại cùng với các máy bay hải quân. Những khí tài quân sự này hoàn toàn có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc. Tài liệu cũng khẳng định quan điểm của Australia, về việc phản đối bất kỳ hành động cưỡng chế hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Cho đến nay, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vẫn khá kín tiếng về quan điểm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, bằng cách đưa tàu hải quân đi qua khu vực này. Trong chuyến thăm sắp tới đến Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có thể gây áp lực để ông Turnbull không làm điều này.
Theo Tiến sĩ Freedman, có 2 lý do có thể khiến Australia thay đổi. Đầu tiên, ông Turnbull có thể sẽ kêu gọi một cuộc bầu cử sớm ngay trong tháng Bảy tới. Thủ tướng Australia sẽ cần đưa ra chính sách quyết liệt hơn về vấn đề Biển Đông trước sự chỉ trích của đảng đối lập.
Phát ngôn viên Đảng Lao Động Australia, Stepehn Conroy từng chỉ trích ông Turnbull vì thiếu những hành động và lời nói "mơ hồ' về vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông.
Thứ hai, Australia sẽ phải đưa ra quyết định sẽ mua tàu ngầm từ Nhật Bản, Pháp hay Đức ngay trong giai đoạn giữa năm nay. Nhật Bản đã hứa với ông Turnbull về việc chế tạo một số vật liệu cho tàu ngầm ngay tại Australia. Đây là yếu tố cần thiết đối với ngành công nghiệp quốc phòng Australia, đóng góp thêm việc làm trước sự sụt giảm của ngành công nghiệp chế tạo ô tô.
Nếu như Canberra chọn Tokyo là đối tác chế tạo tàu ngầm, điều này sẽ tăng cường quan hệ Australia-Nhật Bản, trước những căng thẳng Trung-Nhật đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi quyết định này không đảm bảo rằng Australia sẽ điều tàu đến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, Canberra vẫn sẽ trở thành một thành viên trong nhóm liên kết phản đối Trung Quốc ở châu Á.
Đó là lý do vì sao Trung Quốc lại kịch liệt phản đối kế hoạch mua tàu ngầm của Australia. Nói cách khác, cuộc bầu cử sắp tới ở Australia và quyết định mua tàu ngầm có thể tiết lộ những manh mối, trong chính sách đối ngoại của Canberra với Trung Quốc trong tương lai, Tiến sĩ Feedman nhận định.
Đăng Nguyễn