Khởi đầu từ khủng hoảng
Trong bài phát biểu của mình, ngài Anar Imanov – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Azerbaijan tại Việt Nam nhấn mạnh, hơn 30 năm trước, Liên Xô sụp đổ, Azerbaijan đã tuyên bố độc lập trong một tình thế tồi tệ khi hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế bị phá hủy.
Bên cạnh khó khăn về kinh tế, Azerbaijan phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong nước, tình trạng người tị nạn tràn lan và xung đột với nước láng giềng Armenia. Trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo ấy, cựu Tổng thống Heydar Aliyevn đã được người dân tin tưởng lựa chọn, trở thành “vị thuyền trưởng tài ba” chèo lái con thuyền Azerbaijan vượt qua giông tố.
“Việc ngài Heydar Aliyevn lên nắm quyền là một bước ngoặt đối với đất nước Azerbaijan non trẻ, vừa giành được độc lập. Quyết định đầu tiên của ông là ký một lệnh ngừng bắn, và sau đó thực hiện các biện pháp củng cố đất nước cả về kinh tế và chính trị. Đây là các bước quan trọng và cần thiết đã được thực hiện để đưa đến những thành tựu mà Azerbaijan có được ngày hôm nay.”
Đại sứ Anar Imanov.
Kinh tế trỗi dậy, nỗ lực kết thúc chiến tranh
Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Heydar Aliyev đã thuyết phục các công ty quốc tế và lãnh đạo của các công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới đầu tư vào Azerbaijan. Hàng tỷ đô la Mỹ đã được rót vào đất nước, nguồn thu này được dùng để phát triển nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và quân đội.
Các dự án vận chuyển dầu khí quốc tế quan trọng như Baku - Tbilisi - Jeyhan, Baku - Tbilisi - Erzurum, TANAP và TAP được triển khai đã làm gia tăng đáng kể vai trò của Azerbaijan trong đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu.
Tận dụng vị trí giữa ngã tư châu Âu và châu Á, chính phủ Azerbaijan đã đầu tư mạnh mẽ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt, sân bay và cảng biển. Đặc biệt, tuyến đường sắt quốc tế Baku-Tbilisi-Qars (BTK) liên kết khu vực kết nối trực tiếp thành phố Kars của Thổ Nhĩ Kỳ với Tbilisi của Gruzia và Baku của Azerbaijan, qua Biển Caspi, tới Kazakhstan và xa hơn là Trung Quốc. Dự án này giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa giữa Châu Á và Châu Âu.
Những nỗ lực trên đã góp phần củng cố nền kinh tế của Azerbaijan, nâng cao vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Azerbaijan đã trở thành quốc gia hàng đầu của khu vực Nam Caucasus.
"Nếu coi kinh tế của 3 nước Nam Caucasus - Azerbaijan, Georgia và Armenia là 100% thì kinh tế của Azerbaijan chiếm khoảng 80% - 85% tổng nền kinh tế của 3 nước."
Đại sứ Anar Imanov.
Năm 2020, Azerbaijan đã giải quyết được cuộc xung đột kéo dài 30 năm tại Nagorno-Karabakh với Armenia, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ bằng công lý lịch sử và các biện pháp quân sự, chính trị.
Sau khi cuộc chiến kết thúc, chính phủ Azerbaijan tuyên bố sẵn sàng bắt đầu phân định biên giới với Armenia, cũng như đàm phán về hiệp định hòa bình, dựa trên sự công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đôi bên. Một thỏa thuận như vậy sẽ biến khu vực Nam Caucasus thành khu vực hòa bình và hợp tác.
Hợp tác bền chặt Việt Nam - Azerbaijan
Điểm nhấn trong mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Azerbaijan là sự hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực giáo dục. Các trường đại học Cộng hòa Azerbaijan đã chào đón và đào tạo cho hàng ngàn kỹ sư, cử nhân, sĩ quan hải quân, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học Việt Nam. Đặc biệt, Đại học Hóa-Dầu Azerbaijan, tiền thân của Đại học Dầu và Công nghiệp Azerbaijan ngày nay, đã đào tạo cho Việt Nam trên 500 người có trình độ từ kỹ sư trở lên trong 50 năm qua (1967-2017).
Đại sứ Anar Imanov – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Azerbaijan tại Việt Nam. |
Quan hệ hai nước cũng phát triển mạnh mẽ trên cả 4 lĩnh vực: Ngoại giao Nhà nước; Đối thoại Đảng giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Azerbaijan Mới; hoạt động đối ngoại giữa hai Quốc hội; và Ngoại giao Nhân dân. Mối quan hệ này tiếp tục có bước phát triển mới kể từ khi nước Cộng hòa Azerbaijan thành lập Đại sứ quán tại Hà Nội vào năm 2013.
Bên cạnh đó, việc ra đời Hội hữu nghị Việt Nam-Azerbaijan và Trung tâm nghiên cứu văn hóa lịch sử Azerbaijan được thành lập tại Hà Nội là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam-Azerbaijan.
Tại hội thảo, Ngài Imanov nhận định, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong những năm gần đây ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, năng động hơn theo hướng cùng hợp tác và phát phát triển.
Việc Azerbaijan bắt đầu công cuộc tái thiết lại vùng Karabakh cũng mở ra cơ hội mới cho các công ty từ các quốc gia hữu nghị, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng hoạt động kinh doanh tại Azerbaijan, bao gồm thương mại vật liệu xây dựng và các sản phẩm công nghệ cao, cũng như tham gia vào các hoạt động xây dựng và đầu tư.
Ông cho biết, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Azerbaijan tại Đông Nam Á. Việc Azerbaijan đạt được hòa bình sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các tập đoàn của Việt Nam.
Ngài Đại sứ cũng tin tưởng hai nước còn rất nhiều tiềm năng to lớn có thể tiếp tục khai phá và hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, vận tải và logistics, du lịch và giáo dục.