Từ phong cách “ngoại giao chiến lang” được các nhà ngoại giao Trung Quốc áp dụng trong đàm phán, thoả hiệp với các đối tác nước ngoài, đến việc giảm mạnh các trao đổi xã hội dân sự trên diện rộng, chính quyền Bắc Kinh đang ngày càng trở trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Quan điểm của phương Tây thường cho rằng Trung Quốc theo đuổi chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa xét lại, mà ẩn sau đó khát vọng bá quyền, xâm chiếm lãnh thổ. Một số đã chỉ ra rằng chính sách ngoại giao hiếu chiến của chính quyền Bắc Kinh nhằm truyền bá tư tưởng, áp đặt mô hình quản trị của mình lên các nước khác, trong khi số khác cho rằng Trung Quốc đang tìm kiếm vị thế bá chủ toàn cầu mà cái giá đánh đổi có thể là trật tự quốc tế hiện hành.
Những người ủng hộ Trung Quốc lập luận rằng quốc gia này chỉ đơn giản là tự vệ trước sự can thiệp của nước ngoài. Đồng thời, họ phê phán luận điệu khoa trương của phương Tây, đặc biệt là thời điểm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cư dân mạng Trung Quốc xác định đây là chủ nghĩa đế quốc-thực dân, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Một số người khác thì khẳng định rằng Trung Quốc chỉ đang phản ứng trước sự phản đối thái quá của phương Tây.
Đây là vấn đề "con gà và quả trứng". Cả hai bên đều cho rằng bên kia đang thúc đẩy một chính sách đối ngoại bành trướng và hiếu chiến. Những người theo chủ nghĩa bảo thủ của cả hai bên đều coi các chính sách nhượng bộ của nước họ trong quá khứ là nguyên nhân dẫn đến cuộc cạnh tranh chiến lược không thể tránh khỏi này.
Phe theo chủ nghĩa bài Trung Quốc chỉ trích những nỗ lực bình thường hoá quan hệ trong quá khứ. Mặt khác, những người chỉ trích phương Tây ở Trung Quốc thì tin rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng giống như việc tạo điều kiện cho đối phương "được đà lấn tới".
Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền tại Nhà Trắng, cùng với việc Chủ tịch Tập Cận Bình xây dựng định hướng chiến lược quốc gia của Trung Quốc trở nên bảo thủ hơn, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng lệch hướng và lao dốc do mất lòng tin vào đối phương.
Song song với đó, những chỉ trích công khai của phương Tây đã kích động phe bảo thủ, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc lấy đó làm bằng chứng cho những can dự của các cường quốc phương Tây vào nền chính trị và kinh tế của nước này. Đồng thời, khẳng định hành động đó đang cản trở sự lãnh đạo của Trung Quốc với các vấn đề trong nước như Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.
Những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ tại Trung Quốc miêu tả thái độ của phương Tây như sự đả kích với một cường quốc từ lâu đã bị gạt sang một bên trong trật tự thế giới. Họ lập luận rằng những phản ứng hiện nay của Trung Quốc là hoàn toàn phù hợp, sau thời gian dài phải kiềm chế tính tự tôn dân tộc để giúp đất nước tránh được những mối đe dọa từ bên ngoài. Đối với những cá nhân này, bất kỳ luận điệu nào chống lại Trung Quốc đều thể hiện sự ngạo mạn của phương Tây.
Cùng với các lệnh trừng phạt thương mại, hạn chế tiếp cận công nghệ và việc tách rời tương quan kinh tế (economic decoupling-ND), các luận điệu chống Trung Quốc của phương Tây đã khiến nhiều người Trung Quốc cho rằng "lối thoát" duy nhất cho đất nước là thúc đẩy tự cung tự cấp - lưu thông nội bộ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và không tham gia chủ nghĩa quốc tế.
Khi phương Tây ngày càng trở nên cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh thì tư tưởng "tự cường" của Trung Quốc càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn: nhượng bộ trước những phán xét về giá trị cốt lõi của quốc gia, dân tộc hay áp dụng các chuẩn mực của phương Tây cũng giống như cúi đầu khuất phục trước kẻ thù.
Tư tưởng đối kháng ngày càng gia tăng không chỉ ở những thành viên trong chính quyền Trung Quốc. Các cuộc thăm dò gần đây, được thực hiện bởi Đại học California cho thấy đọ ưa thích Mỹ của giới trẻ Trung Quốc đã giảm từ 5.77 vào tháng 6/2019 xuống 4.77 vào tháng 5/2020.
Nhiều người phản đối cách hành xử của Mỹ khi gọi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc" và những phát ngôn được cho là phân biệt, bài ngoại của Nhà Trắng khi đó. Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng những lời chỉ trích của Mỹ đối với đất nước của họ là sự đạo đức giả và kiêu ngạo.
Đến thời điểm hiện tại, việc cho rằng phương Tây nên kiềm chế mọi chỉ trích và đóng góp mang tính xây dựng đối với Trung Quốc là hoàn toàn vô lý. Việc nhiều người bày tỏ những lo ngại về hành vi của Trung Quốc là xác thực và có cơ sở.
Tuy nhiên, những lời chỉ trích này không nên đi cùng với việc chối bỏ nhà nước Trung Quốc, bởi động thái này sẽ tạo ra những rào cản ngăn các bên giải quyết mẫu thuẫn.
Đổi lại, Trung Quốc cần nhận diện những khác biệt với các nước phương Tây, từ đó xác định chính xác đâu là lời khiêu khích và đâu là những chỉ trích mang tính đóng góp. Bên cạnh đó, nước này cần thay đổi cách nhìn nhận bởi không phải mọi lợi ích và ưu tiên của phương Tây đều nhằm đe doạ quyền lực của Bắc Kinh.
Dù trước đây những luận điệu chống Trung Quốc sẽ tạo ra được sự chú ý lớn nhưng đến nay, đó không thể được xem là một biện pháp ngăn sự trỗi dậy của quốc gia này.