Ngày 27/11, Báo National Interest (NI- Lợi ích dân tộc) của Mỹ nhận định, hiện nay Moscow đang sở hữu sức mạnh quân mà Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đối thủ. Nếu hai bên xảy ra chiến sự, nhất định Nga sẽ sử dụng các loại vũ khí sau để bảo đảm ưu thế vượt trội trước Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara “kinh hồn lạc vía”.
Máy bay tiêm kích - ném bom đa năng Su-34
Theo NI, Su-34 (NATO định danh là Fullback “Người bảo vệ”), được Nga sử dụng để thay thế các loại máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M và máy bay ném bom chiến trường Su-24.
Su-34 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực mới, trạm radar với anten mạng pha và hệ thống chế áp điện tử hiện đại.
So sánh với F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ (máy bay tiêm kích hạng nhẹ đa năng Fighting Falcon, “Fighting Falcon”), Su-34 có thể mang số lượng đạn và nhiên liệu lớn hơn, nhờ đó Su-34 có thể tác chiến ở cự ly xa hơn F-16.
Ngoài ra, Su-34 còn thích ứng tốt hơn với các hệ thống tự bảo vệ và có khả năng cơ động nhanh hơn F-16. Tất cả các đặc tính này đã khiến F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là kỳ phùng địch thủ của Su-34.
Tuy nhiên, Su-34 sẽ trở nên nguy hiểm hơn gấp nhiều lần nếu nó được trang bị các tên lửa có điều khiển tầm trung R-27 (định danh của NATO là AA-10 Alamo) và RVV-AE (AA-12 Adder) lớp không đối không.
Vũ khí của Su-34 khiến Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại nhất đó là tên lửa RVV-AE với cự ly hoạt động 100km, trong khi tên lửa tầm trung của Thổ Nhĩ Kỳ do Mỹ sản xuất lớp không đối không AIM-120 AMRAAM chỉ có cự ly hoạt động 50km.
Tổ hợp tác chiến điện tử mới nhất Krasuha-4
Krasuha-4 gồm các trạm tác chiến điện tử đa năng dải rộng, cho phép chế áp các trạm radar mặt đất, các trạm radar trên khoang (đặc biệt với các hệ thống dẫn đường và phát hiện từ xa) và các vệ tinh quỹ đạo thấp.
Cự ly làm việc của Krasuha-4 có thể đạt đến 300 km. Như vậy, chỉ số này vượt trội cự ly hoạt động của hệ thống chế áp điện tử mặt đất KORAL của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Krasuha-4 có thể làm “mù” radar lắp đặt trên các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ và khiến lực lượng quân nước này không thể nhận thông tin từ trên không về tình hình ở khu vực.
Tàu tuần tiễu tên lửa dự án 1164
Theo định danh của NATO đây là lớp tàu Slava, được sử dụng hiệu quả để tác chiến mặt nước và phòng không.
Lớp tàu này được mệnh danh là “Pháo đài nổi”, nổi tiếng với tên gọi tuần dương hạm tên lửa “Moscow”; được trang bị các tên lửa đối hạm P-500 “Basalt”, các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-2 “Osa” (với tên lửa lớp đất đối không), radar phát hiện 3 tọa độ, radar theo dõi và radar đường chân trời.
Sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24, Nga đã điều tàu này cảnh giới tại bờ biển Latakia. Đây thực sự là một mối de dọa cực kỳ nguy hiểm để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch trên không ở Địa Trung Hải. Theo NI, chỉ có các tàu ngầm lớp Gür của Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đối đầu với tuần dương hạm Moscow của Nga.
Đặc nhiệm Nga
Đặc nhiệm Nga rất đa năng, có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau từ trinh sát đến đột kích.
Theo NI, đặc nhiệm Nga thực sự là mối lo ngại lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm khi mà Ankara đang ra sức chống lại tổ chức nổi dậy “Đảng công nhân người Kurd”.
Tác chiến mạng và chiến tranh tâm lý
Khả năng tác chiến mạng và tạo chiến tranh tâm lý của Nga đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia vào tháng 8/2008 và trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, cần phải hy vọng rằng, quan hệ Nga – Thổ có thể giảm căng thẳng bởi nếu xảy ra xung đột thì hai bên đều phải gánh chịu những hậu quả không thể lường trước được.
NI kết luận, nếu trong trường hợp xấu xảy ra thì các loại vũ khí trên của Nga nhất định sẽ chiếm ưu thế vượt trội so với các loại vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.