“Xung đột Ukraine đã gây ra thay đổi hệ thống quan hệ quốc tế và cấu trúc an ninh ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Nó đang làm sống lại những kịch bản nguy hiểm nhất liên quan đến xung đột giữa các cường quốc hạt nhân, vốn sẽ gây ra nhiều hậu quả tàn khốc”, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Khrenin cho biết trong cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại New Delhi.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Belarus, xung đột ở Ukraine đánh dấu giai đoạn nóng của cuộc đối đầu văn minh toàn cầu giữa phương Tây và phương Đông.
Ông Khrenin nhận định cuộc cạnh tranh đang diễn ra nhằm giành quyền xác định các nguyên tắc cơ bản của trật tự thế giới. Trong khi đó, căng thẳng gia tăng giữa các cường quốc đang làm giảm vai trò của các tổ chức và cơ quan siêu quốc gia, đồng thời làm xói mòn dần hệ thống luật pháp quốc tế hiện hành. Các tổ chức ngoại giao và diễn đàn thảo luận cấp cao đang mất dần vai trò là nền tảng cho các cuộc đàm phán và được thay thế bằng các hình thức hợp tác mới giữa các quốc gia dựa trên lợi ích chung và sẵn sàng thúc đẩy chúng thông qua các nỗ lực chung.
“Sự thiếu thống nhất giữa các cường quốc hàng đầu, vốn có quan điểm đối lập hoàn toàn về trật tự thế giới, chỉ góp phần nâng cao vai trò của lực lượng quân sự như một công cụ để thực hiện lợi ích quốc gia của các bên khác nhau. Trong khi đó, ngưỡng ra quyết định về việc sử dụng lực lượng quân sự ngày càng đi xuống”, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus kết luận.
Belarus là đồng minh thân cận của Nga nhưng không trực tiếp tham gia hoạt động quân sự của Moskva tại Ukraine. Tuy nhiên, vào mùa thu năm ngoái, hai nước đã thành lập nhóm quân sự liên hợp trên lãnh thổ Belarus để phó với các mối đe dọa từ phương Tây. Tổng thống Lukashenko đã cáo buộc các quốc gia phương Tây muốn lôi kéo Belarus vào cuộc xung đột Ukraine.
Vào tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sớm nhất là vào mùa hè này, sau khi Anh tiết lộ kế hoạch cung cấp đạn urani nghèo cho Kiev. Minsk đã nhiều lần kêu gọi Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên đất Belarus, với lý do nhận thức được mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Mỹ triển khai ở các nước láng giềng.
Ngày 26/3, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov cho rằng thông báo của Tổng thống Putin về việc đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là một bước tiến tới sự bất ổn nội bộ tại quốc gia này. Theo ông Danilov, động thái này sẽ làm gia tăng tối đa những quan điểm tiêu cực và sự phản đối của công chúng Belarus đối với Nga và ông Putin.
Về phần mình, Mỹ phản ứng thận trọng sau thông báo của ông Putin. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng chưa thấy dấu hiệu Nga có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân.