Nhiều nghi vấn được đặt ra khi câu chuyện bị thay đổi. Vậy đâu là sự thật?
Hôm 14/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, các thủy thủ Mỹ đã bị đi lạc vào lãnh hải Iran. Nguyên nhân chính dẫn đến sự cố là do trục trặc kỹ thuật. Điều này có nghĩa là hai chiếc tàu này không gặp nạn khi họ đến gần đảo Farsi, nơi đặt căn cứ hải quân của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran. Nó cũng đồng nghĩa với việc Iran có quyền bắt giữ những thủy thủ này.
Nhà báo Glenn Greenwald nói: "Những gì chúng ta biết chỉ là câu chuyện về một 'sự cố kỹ thuật' và 'tàu Mỹ gặp nạn' được hư cấu hoàn hảo". Theo ông, tuyên bố mới nhất của chính quyền Washington không thực sự phản ánh những gì đã xảy ra.
Các thủy thủ Mỹ bị Tehran bắt giữ. Ảnh: Reuters
Trước hết, theo ông Greenwald, các thủy thủ Mỹ hầu hết đều rất thân thuộc tuyến đường này bởi họ thường xuyên đi lại giữa Bahrain và Kuwait. Ngoài ra, Hạm đội 5 của Mỹ cũng đóng tại Bahrain.
Thứ hai, không thể chỉ có một thủy thủ đơn độc trên các tàu báo cáo trục trặc cho cấp trên của họ khi họ biết rõ rằng những tàu này đã đi vào lãnh hải Iran.
Ngoài ra, việc "đi lạc" đến vài dặm vào căn cứ hải quân của Lực lượng Vệ binh Iran không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhà báo Greenwald nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông ở Mỹ lại đưa tin khác hoàn toàn so với những gì chính quyền Mỹ thông báo.
Nhà báo Greenwald nói: "Việc thủy thủ Mỹ xâm phạm trái phép vào lãnh hải Iran đã bị truyền thông Mỹ mô tả như một hành động gây hấn của Iran”.
Chúng ta có thể làm một phép tưởng tượng, nếu Mỹ và Iran hoán đổi vị trí cho nhau, liệu người ta có nhìn thấy trên trang nhất các báo Mỹ sẽ viết rằng tàu Iran vô tình trôi dạt vào vùng lãnh hải của Mỹ hay không?
Tàu tuần tra của Mỹ bị đi lạc. Ảnh: Reuters
Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran bắt giữ 10 thủy thủ mỹ, Tehran đã trả tự do cho các thủy thủ này cùng hai tàu Mỹ còn nguyên vẹn.
Năm 2007, Anh cũng gặp sự cố tương tự nhưng không may mắn như Mỹ. Các thủy thủ của họ bị phía Iran giam giữ trong nhiều tuần trước khi đưa tới một buổi lễ. Khi đó, các thành viên Hải quân Anh đã bắt tay cựu tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và cảm ơn ông về lòng hiếu khách.
Sau đó vài ngày, Mỹ ra quyết định “tháo vòng kim cô” cho Iran, đổi lại Tehran phải thu hẹp chương trình hạt nhân.Chính quyền mỹ cho rằng, việc thả người nhanh chóng cho thấy sức mạnh của ngoại giao và cam kết trong thỏa thuận mới với Iran.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích Daniel R.DePetris, nhà phân tích tại Wikistrat, Inc., một công ty tư vấn địa chiến lược, Washington và Tehran sẽ không trở thành bạn hoặc đối tác trong thời gian tới. "Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran sẽ không được tái thiết lập, cũng như cả hai nước sẽ không mở lại đại sứ quán ở mỗi nước", ông viết.
Nhưng DePetris cũng không thể phủ nhận một tuần qua Washington và Tehran đã cùng hợp tác với nhau về một số vấn đề và đạt được những tiến triển nhất định.
An Mai (theo Reuters/ Sputnik)