Biến di sản thành tài sản để xây dựng thương hiệu văn hóa Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Việt Nam có nhiều tiềm năng để có thể biến di sản thành tài sản. Việc xây dựng thương hiệu văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế giúp khẳng định vị thế và nâng tầm giá trị Việt.
Nghệ thuật biểu diễn là phương tiện hiệu quả để xây dựng thương hiệu văn hóa Việt Nam.
Nghệ thuật biểu diễn là phương tiện hiệu quả để xây dựng thương hiệu văn hóa Việt Nam.

Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chủ trương về việc quảng bá văn hóa Việt Nam, để mỗi khi bạn bè quốc tế nhắc đến dải đất hình chữ S, họ không chỉ nhớ đến những từ khóa như chiến tranh, lịch sử, nhân dân anh hùng mà còn biết đến sự đa dạng văn hóa, nền công nghiệp sáng tạo, thiên nhiên tươi đẹp…

Muốn làm được điều đó, những người làm công tác văn hóa, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân phải cùng nhau xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia.

Định vị văn hóa Việt Nam

Với kinh nghiệm 25 năm trong lĩnh vực marketing, xây dựng thương hiệu, từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, bà Trần Tuệ Tri vừa ra mắt cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam-Thời khắc vàng,” mang đến góc nhìn thực tế của mình về vấn đề này.

Thông qua cuốn sách, bà Trần Tuệ Tri muốn khơi gợi nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu quốc gia vững mạnh, tạo liên kết tích cực nhằm thúc đẩy các sáng kiến về xây dựng thương hiệu quốc gia, giúp khẳng định vị thế và nâng tầm giá trị Việt.

Tác giả Trần Tuệ Tri khẳng định việc xây dựng thương hiệu quốc gia làm tăng niềm tự hào dân tộc và giá trị của mỗi người Việt Nam khi bước ra thế giới.

Khi thương hiệu Việt Nam được thăng hạng thì giá trị cá nhân của mỗi người Việt Nam cũng được nâng tầm, và ngược lại. Do đó, mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu quốc gia và biết rằng mình có thể làm gì để thực hiện sứ mệnh này.

“Khi trò chuyện với những người bạn quốc tế của mình, tôi nhận ra rằng đối với họ, Việt Nam vẫn luôn gợi nhớ đến chiến tranh, tiếp đó là món phở và áo dài. Tôi thầm nghĩ giá như họ cũng có thể nhìn thấy và cảm nhận được sự thay da đổi thịt của Việt Nam, giống như tôi đang nhìn thấy và cảm nhận rất rõ,” bà Trần Tuệ Tri trăn trở.

Bà bày tỏ mong muốn thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu sẽ không chỉ dừng lại ở câu chuyện “quốc gia chiến thắng trong chiến tranh” bởi chúng ta rõ ràng còn sở hữu những thành tựu về văn hóa, thể thao, du lịch, kinh tế, con người... và nhiều thế mạnh khác.

Đồng tình với quan điểm này, họa sỹ Lê Thiết Cương khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia.

Họa sỹ cho hay anh từng thăm nhiều bảo tàng nghệ thuật trên thế giới và bắt gặp những hiện vật là đồ thủ công, gốm sứ Lý Trần của Việt Nam được bày rất trang trọng. Anh trào dâng niềm tự hào song cũng trăn trở vì sao nước ta chưa xây dựng được thương hiệu cho đồ thủ công mỹ nghệ nói riêng và thương hiệu văn hóa quốc gia nói chung?

Mặt khác, họa sỹ Lê Thiết Cương nêu thực tế rằng các nước tiên tiến đều đã đặt những thiết chế văn hóa của họ tại Việt Nam như Italy, Pháp, Đức, Nga, Nhật… Họ không chỉ quảng bá văn hóa mà còn giới thiệu thương hiệu quốc gia của mình. Nhìn lại mình, văn hóa Việt Nam đang được định vị như thế nào trên bản đồ thế giới?

“Văn hóa là cột trụ của ngôi nhà, là bệ đỡ cho phát triển. Chúng ta phải nghĩ cách làm thế nào biến di sản thành tài sản, biến lợi thế đang có thành nguồn lực xây dựng thương hiệu văn hóa. Không có cách gì quảng bá hình ảnh quốc gia tốt hơn là thông qua văn hóa,” họa sỹ Lê Thiết Cương nhấn mạnh.

Từ những trải nghiệm quốc tế của mình, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng để có thể biến di sản thành tài sản. Ông đã quan sát và trải nghiệm Việt Nam đủ lâu để vững tin vào nhận định ấy.

Theo ông, hiện nay đang là thời điểm để Việt Nam phát triển "quyền lực mềm" với điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực… như Hàn Quốc đang làm.

“Vài thập kỷ trước, Hàn Quốc cũng giống Việt Nam. Thế giới cũng chỉ biết đến Hàn Quốc với chiến tranh và sự chia cắt, nhưng ngày nay đất nước này đã đạt được thương hiệu quốc gia rất lớn. Công nghiệp văn hóa với điện ảnh, âm nhạc, làm đẹp của Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ, đưa đất nước vươn xa ra thế giới. Tôi tin rằng một ngày nào đó, thế giới cũng sẽ biết đến Việt Nam với V-pop, V-fashion…,” Đại sứ bày tỏ.

Biến di sản thành tài sản

“Tôi ý thức được mình đứng ở đâu trong số danh sách những nghệ sỹ hài kịch của Việt Nam. Do đó, tôi và Nghệ sỹ Nhân dân Tự Long đã phải tự vạch ra hướng đi cho mình, xây dựng thương hiệu cho nhóm hài Xuân Bắc-Tự Long từ rất sớm để tạo ra ấn tượng riêng đối với công chúng,” nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chia sẻ.

Ở góc độ quản lý, Xuân Bắc cũng trăn trở với việc định hình tên tuổi, tạo ra nét riêng cho Nhà hát Kịch Việt Nam.

“Mỗi quốc gia đều có nền văn hóa, mỗi nhà hát hay mỗi cá nhân nghệ sỹ cũng vậy. Không thể nói văn hóa nào hay hơn mà chỉ có thể nhận định tính riêng biệt, độc đáo của mỗi chủ thể văn hóa mà thôi. Vậy, chúng ta phải xây dựng được đặc tính riêng biệt đó và quảng bá thế mạnh của mình,” nghệ sỹ cho biết.

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ, hoạch định chiến lược phát triển cho các nhà hát bởi theo quan điểm của anh, xây dựng nền công nghiệp văn hóa thông qua biểu diễn là cách hiệu quả nhất, gần gũi nhất và dễ làm nhất bởi nguồn lực về nghệ thuật sân khấu hiện nay đang dồi dào.

“Chúng ta có nhiều nhà hát có bề dày lịch sử, có lực lượng diễn viên đông đảo và chất liệu nghệ thuật biểu diễn thì vô cùng độc đáo, đa dạng. Nhưng thực tế là lại chưa có một chương trình nào khiến cho khách quốc tế buộc phải xem khi đến với Việt Nam,” Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc nói.

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng cho rằng việc xây dựng thương hiệu văn hóa Việt Nam là vấn đề cấp bách.

“Kể từ năm 2016, chủ trương xây dựng nền công nghiệp văn hóa đã được nêu ra. Muốn làm công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được thương hiệu. Khi xác định được thương hiệu thì vị thế, uy tín đất nước mới được nâng cao, từ đó mang lại lợi ích về kinh tế, chính trị,” Thứ trưởng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Tạ Quang Đông cũng thừa nhận rằng Việt Nam chưa có quy chuẩn nhận diện thương hiệu văn hóa. Đó là một khó khăn cho việc thực hiện công nghiệp văn hóa.

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu ý tưởng dùng nghệ thuật biểu diễn để giới thiệu lịch sử Việt Nam đồng thời triển khai dự án quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam qua điện ảnh.

“Điện ảnh đã được xác định là trọng điểm, mũi nhọn xây dựng công nghiệp văn hóa. Điện ảnh là 'con tàu' chở các thương hiệu văn hóa khác của Việt Nam như du lịch, nghề thủ công, phong tục tập quán…,” ông Đông chia sẻ.

Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
(Ngày Nay) - Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
(Ngày Nay) - Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, các thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Trong đó, thí sinh tự do sẽ đăng ký dự thi trực tiếp, không phải trực tuyến như học sinh đang học lớp 12; địa điểm đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Mỹ tìm cách tăng cường viện trợ cho Gaza
(Ngày Nay) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Jordan để thảo luận về các cách thức thúc đẩy vận chuyển hàng viện trợ đến Dải Gaza và thảo luận về tình hình căng thẳng trong khu vực thời gian qua.
Vốn FDI thực hiện 4 tháng cao kỷ lục trong 5 năm
Vốn FDI thực hiện 4 tháng cao kỷ lục trong 5 năm
(Ngày Nay) - Theo Báo cáo kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
(Ngày Nay) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.