Tại Tel Aviv, người dân tập trung ở phố Kaplan, nơi có tòa nhà phức hợp của chính phủ đặt tại thành phố, với số lượng người tham gia lên đến hơn 100.000 người. Họ mang theo cờ, hát quốc ca Israel và hô khẩu hiệu yêu cầu bảo vệ nền dân chủ. Cùng lúc, người dân cũng xuống đường tại các thành phố khác như Jerusalem, Haifa, Netanya.
Biểu tình diễn ra trong bối cảnh các đảng phái đang tiếp tục thương lượng dưới sự trung gian kết nối của Tổng thống Israel Isaac Herzog, nhằm tìm tiếng nói chung về mức độ và phạm vi của cải cách tư pháp. Lãnh đạo phe đối lập, cựu Thủ tướng Yair Lapid kêu gọi người biểu tình nỗ lực hết sức để ngăn chặn chính phủ đương nhiệm một mặt “câu giờ” bằng các cuộc thương lượng, mặt khác vẫn tiếp tục can thiệp vào công việc của Tòa án Tối cao. Ông nhấn mạnh: “Chính phủ cần rút tất cả các dự luật khỏi Quốc hội và cần hiểu rằng không thể có tình huống phe liên minh lựa chọn các thẩm phán cho riêng mình”.
Làn sóng biểu tình tại Israel từ tháng 1/2023 diễn ra liên tục vào các ngày thứ Bảy hằng tuần, với sự tham gia đông đảo của các cựu quan chức, doanh nhân công nghệ, nhà đầu tư, học giả, sinh viên, phụ huynh học sinh, quân nhân dự bị… Những tác động tiêu cực về kinh tế xã hội gây ra bởi hoạt động biểu tình và tình trạng căng thẳng an ninh giữa Israel với Dải Gaza và tại biên giới Liban đang làm suy giảm uy tín của chính phủ liên minh cánh hữu do Thủ tướng Netanyahu đứng đầu.
Theo cuộc thăm dò dư luận do kênh truyền hình Channel 12 công bố hôm 5/5, có tới 76% những người được hỏi cho rằng chính phủ đang xử lý kém tình hình an ninh của đất nước và chỉ 20% nhận định chính phủ xử lý tốt, phần còn lại không có ý kiến. Về vấn đề kinh tế, đặc biệt là chống lạm phát và giảm gánh nặng chi phí cuộc sống, 86% những người được hỏi cho rằng chính phủ đang điều hành không tốt.